Wall Street Journal (WSJ) chỉ ra, từng là nơi bị bỏ quên của thế giới năng lượng, những địa điểm như từ ngoài khơi Congo đến Azerbaijan đang bùng nổ các hoạt động khai thác khi châu Âu ra sức tìm kiếm các nguồn khí đốt tự nhiên mới để thay thế nguồn cung năng lượng cho lục địa này.
Vẽ lại bản đồ năng lượng khi dòng chảy khí đốt Nga "đứt gãy"
Khai thác bùng nổ tại những "mỏ vàng" ít người biết
Sự thay đổi về nguồn cung đang vẽ lại bản đồ năng lượng thế giới với tốc độ chóng mặt.
Chỉ trong vài tuần, tại vùng Bir Rebaa, sâu trong sa mạc Sahara, công ty năng lượng Eni của Ý và công ty năng lượng nhà nước Algeria đã khoan hàng chục giếng dầu, sản xuất khí đốt từ các mỏ trước đây chưa được động tới.
3 đường ống dưới biển Địa Trung Hải đã kết nối lượng khí đốt khổng lồ của Algeria với châu Âu. Trong thập kỷ qua, gã khổng lồ khí đốt Gazprom của Nga đã giữ giá năng lượng ở mức thấp, đẩy các nhà cung cấp như Algeria ra khỏi thị trường châu Âu.
WSJ cho biết, Algeria từ lâu đã có liên minh chặt chẽ với Nga bởi nước này mua số lượng lớn vũ khí từ Moscow. Và cơn khát đột ngột của châu Âu đối với khí đốt tự nhiên của Algeria đang thách thức mối quan hệ này.
Bộ trưởng năng lượng của Algeria Mohamed Arkab nêu quan điểm: "Chúng tôi có quan hệ hữu nghị và chính trị (với Nga) nhưng kinh doanh là kinh doanh."
Các quan chức Algeria đang đàm phán các hợp đồng khí đốt mới với người mua ở Đức, Hà Lan và các nơi khác ở châu Âu. Công ty Eni đang đầu tư lớn vào sản xuất ở Algeria. Algeria cũng đang đàm phán với các tập đoàn khổng lồ như Chevron và Exxon Mobil của Mỹ về các thỏa thuận cho phép các tập đoàn này lần đầu sản xuất khí đốt tại đây.
Cùng lúc đó, một liên doanh đứng đầu bởi tập đoàn dầu khí BP có trụ sở tại London đang thúc đẩy sản xuất khí đốt ở Azerbaijan. Các quan chức Azerbaijan cho biết, họ đang đi trước thời hạn cam kết tăng gấp đôi lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu vào năm 2027.
Tất cả các hoạt động này đang chuyển hướng dòng khí đốt tự nhiên trên khắp thế giới. Dòng khí đốt trước đây thường chảy từ Nga tới Địa Trung Hải. Hiện nay, châu Âu đang chuẩn bị tăng cường nhập khẩu khí đốt từ châu Phi với dòng chảy qua Ý, đến Áo và các nước khác.
Kỳ vọng của châu Âu
Châu Âu hy vọng dòng chảy mới sẽ cung cấp một vùng đệm năng lượng trong 3 năm tới. Các quan chức và nhà phân tích lo ngại đây là thời điểm tình trạng khủng hoảng nguồn cung năng lượng sẽ diễn biến nghiêm trọng nhất.
Kỳ vọng của lục địa này là nguồn khí đốt mới sẽ có giá thấp hơn giá khí đốt sau sự kiện đường ống Nord Stream bị phá hoại hồi tháng 9/2022. Châu Âu cũng hy vọng nguồn cung mới có thể thay thế một số loại nhiên liệu đắt tiền mà châu lục này trong năm vừa qua đang phụ thuộc, như khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ và Qatar.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine xảy ra vào thời điểm ngành năng lượng nhiều biến động. Trong đại dịch Covid-19, các công ty đã cắt giảm đầu tư do giá dầu và khí đốt tự nhiên giảm. Các nhà sản xuất đã không chuẩn bị cho nhu cầu tăng vọt về năng lượng khi lệnh phong tỏa được nới lỏng.
Các quan chức và nhà điều hành phương Tây bắt tay vào một chiến dịch ngoại giao năng lượng mạnh mẽ. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và người tiền nhiệm Mario Draghi đã tới Algeria để xem xét các hợp đồng khí đốt mới. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đi thăm các quốc gia châu Phi có trữ lượng năng lượng lớn sau khi chiến sự ở Ukraine nổ ra.
Giám đốc điều hành Eni Claudio Descalzi và Guido Brusco đã đi khắp lục địa để tìm kiếm nguồn khí đốt mới cho Ý. Ông Guido Brusco cho hay: "Chúng tôi ngay lập tức kết nối với các nước láng giềng, đặc biệt là các nước có khả năng phản ứng nhanh, như Algeria."
Trước khi khí đốt giá rẻ của Nga xuất hiện, Algeria là nhà cung cấp hàng đầu cho Ý. Giờ đây vị trí của Algeria đã quay trở lại, giúp Ý gần như thay thế được hoàn toàn lượng khí đốt mà nước này nhận từ Nga.
Tại Azerbaijan, liên doanh do tập đoàn BP đứng đầu đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất từ dự án Shah Deniz của nước này ở biển Caspian. Các công ty này đang nỗ lực khai thác khí bị mắc kẹt dưới mỏ dầu ACG. Những nguồn cung cấp mới này sẽ khiến nước này đáp ứng được thỏa thuận vào năm ngoái - tăng cường xuất khẩu khí đốt từ 10 tỷ mét khối lên 20 tỷ mét khối vào năm 2027.
Còn ở Congo, Eni đã sản xuất dầu từ các mỏ ngoài khơi trong nhiều thập kỷ, bơm lượng khí đốt tự nhiên vào các bể chứa dưới đáy biển.
Tuy nhiên, trước bối cảnh các hoạt động khai thác năng lượng được diễn ra sôi nổi, một số nhà lập pháp lại lo ngại rằng sự phụ thuộc ngày càng tăng của lục địa vào Algeria và Azerbaijan có thể lại khiến châu Âu rơi vào tình trạng khủng hoảng năng lượng giống như hồi năm ngoái.