Baojun E200 là sản phẩm của liên doanh SAIC, GM, Wuling tại Trung Quốc.
Trang News.cn của Trung Quốc đã đăng tải bài viết phân tích về thị trường và xu hướng tất yếu của ô tô sử dụng năng lượng mới tại đất nước tỷ dân. Dưới đây là nội dung lược dịch, tiêu đề chính và tiêu đề phụ do người dịch đặt.
Trước sức ép của khủng hoảng năng lượng và ô nhiễm môi trường, các loại ô tô sử dụng năng lượng mới (điện và nhiên liệu thân thiện với môi trường như hydro…) đã trở thành niềm hy vọng trong tương lai của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu và là một trong những ngành mới nổi có tính cạnh tranh cao nhất ở Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Công nghiệp ô tô Trung Quốc, từ đầu năm đến nay, do nhiều địa phương trong cả nước bùng phát dịch Covid-19, cộng thêm tác động của các yếu tố bất ổn về chính trị quốc tế, tình hình sản xuất của doanh nghiệp sản xuất ô tô chịu ảnh hưởng nhất định.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sản xuất ắc quy tăng vọt đã đẩy giá thành sản xuất lên cao, khiến phần lớn doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh tăng giá bán ô tô, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến sức tiêu thụ ô tô tại thị trường Trung Quốc.
Lượng xe bán ra tăng gấp đôi sau 1 năm
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, ô tô sử dụng năng lượng mới vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh cả về sản lượng lẫn doanh số tiêu thụ tại Trung Quốc.
Chỉ tính riêng tháng 3/2022, lần lượt có tới 465.000 chiếc và 484.000 chiếc được sản xuất và tiêu thụ tại thị trường này, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Ouyang Minggao – Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc đồng thời là Phó Chủ tịch China EV 100 (một tổ chức nghiên cứu về ngành công nghiệp ô tô điện) tin rằng những lý do khiến thị trường xe năng lượng mới của Trung Quốc bước vào giai đoạn tăng trưởng bùng nổ là do tiến bộ về công nghệ, sản phẩm đa dạng và các chính sách cạnh tranh mạnh mẽ.
Ông Ouyang Minggao. Ảnh: Laitimes.com
Ba yếu tố cốt lõi cấu thành ô tô sử dụng năng lượng mới đó là pin, động cơ và hệ thống điều khiển điện tử. Do đó, xu hướng điện khí hóa đang là thách thức lớn đối với các hãng xe hơi truyền thống, đồng thời là cơ hội cho các nhà sản xuất ô tô điện.
Đồng thời, nhờ lợi thế có công nghệ pin điện đứng đầu thế giới, hiện nay Trung Quốc chiếm 70% công suất sản xuất pin điện cho thị trường toàn cầu. Contemporary Amperex Technology (CATL), BYD, AVIC Lithium và Guoxuan Hi-Tech lọt vào top 10 trong ngành sản xuất pin điện toàn cầu.
Xưởng sản xuất pin lithium tại An Huy, Trung Quốc. Ảnh: News.cn
Năm 2012, CATL trở thành nhà sản xuất pin điện đầu tiên của Trung Quốc tham gia vào hệ thống chuỗi cung ứng của các hãng ô tô đa quốc gia bằng cách sản xuất pin cho chiếc ô tô điện đầu tiên của BMW. Kể từ năm 2017, CATL đã giành được vị trí hàng đầu về công suất lắp đặt pin điện trên toàn cầu trong bốn năm liên tiếp.
Ngoài ra, năng lượng hydro cũng được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn năng lượng mới thay thế dầu – khí trong tương lai.
Các chuyên gia ước tính rằng đến năm 2025, số lượng xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro ở Trung Quốc sẽ đạt 100.000 chiếc..
Trung Quốc đã đầu tư hơn 50 tỷ USD để thúc đẩy các start-up sản xuất xe năng lượng mới, hỗ trợ người mua xe và xây dựng hệ thống sạc điện. Với việc làm chủ công nghệ pin cũng như công nghệ lõi chế tạo ô tô điện mà các hãng xe điện của Trung Quốc như Dongfeng, SAIC, BAIC, Changan Automobile đã đủ năng lực cạnh tranh ngang ngửa với nhiều hãng xe nước ngòai như Tesla, Volkswagen, General Motors; SAIC-Wuling Hongguang chiếm lợi thế tuyệt đối về dòng xe mini ... Các thương hiệu xe Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ và tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.
Mục tiêu 40% phương tiện sử dụng năng lượng sạch
Các nỗ lực đạt đỉnh lượng phát thải carbon trước năm 2030 và thực hiện trung hòa cacbon trước năm 2060 đã thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngành giao thông vận tải là một trong những ngành đóng vai trò quan trọng để giảm thiểu các-bon. Trung Quốc đạt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch sẽ đạt khoảng 40%.
Năm 2013, Tesla chính thức bước chân vào thị trường Trung Quốc. Tesla đã sử dụng phần mềm và trí tuệ nhân tạo (AI) làm thay đổi tư duy của mọi người về một chiếc ô tô, qua đó thúc đẩy sự chuyển đổi của ngành công nghiệp ô tô.
Trong thời đại kỹ thuật số, ô tô không chỉ là một phương tiện di chuyển mà đã phát triển thành một thiết bị đầu cuối thông minh di động, thúc đẩy sự tích hợp toàn diện và sâu rộng giữa năng lượng, giao thông, thông tin và truyền thông cũng như chuyển đổi và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Nếu điện khí hóa là giai đoạn đầu của cuộc cách mạng ô tô thì số hóa và trí tuệ nhân tạo chính là giai đoạn thứ hai của cuộc cách mạng này.
Theo các chuyên gia, điểm khác biệt cơ bản giữa ô tô thông minh và ô tô truyền thống là ô tô truyền thống chỉ là sản phẩm cơ điện tử, trong khi ô tô thông minh là sản phẩm tích hợp cơ điện tử và hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin và truyền thông, định vị, nền tảng dữ liệu và các ngành khác tích hợp xuyên biên giới.
Ý nghĩa của việc phát triển xe tự hành không chỉ nằm ở việc nâng cấp công nghệ sản xuất ô tô mà còn ở việc định hình lại ngành ô tô và các ngành liên quan trong hệ thống chuỗi giá trị.
Nếu động cơ là linh hồn của xe truyền thống, thì chip chính là “động cơ số” của xe thế hệ mới.
Theo dự báo chưa đầy 10 năm nữa doanh số bán xe ô tô sử dụng năng lượng mới sẽ chiếm đến 90% thị phần tại Trung Quốc, trong đó, các hãng nội địa chiếm 2/3 thị phần.
Khát vọng của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn chính là nguồn sức mạnh cho sự đổi mới công nghệ.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu và xây dựng một “Trung Quốc xanh”, ô tô sử dụng năng lượng mới đang đảm nhận một sứ mệnh lớn lao trong kỷ nguyên mới.