Cụ thể, ngân hàng BIDV điều chỉnh giảm 0,2 điểm % tại các kỳ hạn 1-6 tháng. Sau điều chỉnh, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng về còn 1,7%/năm; 3-5 tháng còn 2%/năm; 6 tháng còn 3%/năm.
Ở kỳ hạn 12-18 tháng, lãi suất huy động giảm 0,1 điểm % xuống còn 4,7%/năm; từ 24 tháng trở lên giảm 0,3 điểm % xuống còn 4,7%/năm.
Trước BIDV, ngân hàng quốc doanh khác là Agribank cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động thêm 0,1-0,2 điểm % tại các kỳ hạn 1-5 tháng và từ 12 tháng trở lên. Kỳ hạn 6 tháng được nhà băng này giữ nguyên lãi suất.
Sau đợt điều chỉnh, biểu lãi suất của Agribank đang niêm yết tại 1,6%/năm (kỳ hạn 1-2 tháng); 1,9%/năm (kỳ hạn 3-5 tháng); 3%/năm (kỳ hạn 6 tháng); 4,7%/năm (kỳ hạn 12 tháng trở lên).
Hiện biểu lãi suất huy động tiền gửi của Agribank, Vietcombank và BIDV đang tương đương nhau. Trong khi đó, VietinBank đưa ra mức lãi suất huy động cao nhất trong nhóm Big 4, nhỉnh hơn các nhà băng còn lại khoảng 0,1-0,3%/năm tùy từng kỳ hạn.
Đây cũng là ngân hàng quốc doanh duy nhất còn giữ lãi suất huy động kỳ hạn dài trên 24 tháng ở mức 5%/năm.
Tính từ đầu năm đến nay, thị trường ghi nhận 16 ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiền gửi. Xu thế chung vẫn là hạ lãi suất, đa phần giảm ở các kỳ hạn dài 6-12 tháng. Đáng chú ý có BaoVietBank, BVBank, PGBank và ACB đã thông báo giảm lãi suất 2 lần trong tháng này.
Dù môi trường lãi suất thấp nhưng dòng tiền vẫn không dịch chuyển mạnh khỏi hệ thống ngân hàng để chảy qua các kênh đầu tư khác như bất động sản hay chứng khoán.
Tính đến cuối năm 2023, có hơn 13,5 triệu tỷ đồng nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp gửi tại ngân hàng, tăng 14% so với năm 2022 và cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, do cầu tín dụng yếu vì nhu cầu về sản xuất, tiêu thụ hàng hoá chưa được cải thiện, hầu hết ngân hàng chưa mặn mà với việc tăng lãi suất huy động trở lại để hút tiền gửi.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng được các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ phục hồi trong quý II năm nay, khiến thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và có khả năng thúc đẩy các ngân hàng tăng lãi suất huy động.