Superstrata được giới thiệu là dự án sản xuất xe đạp in 3D đầu tiên trên thế giới. Được thành lập vào năm 2020 nhưng mãi đến năm nay, dự án này mới được nhiều người Việt biết đến nhờ những lùm xùm xung quanh "chiếc xe đạp in 3D đầu tiên trên thế giới".
Thiết kế đẹp nhưng giá đắt
Superstrata là dự án xe đạp in 3D carbon nguyên khối do startup Arero của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang phát triển. Superstrata có 2 mẫu xe đạp gồm Classic và Electric có giá lần lượt 2.800 USD và 3.500 USD. Tại Việt Nam, phần lớn khách hàng lựa chọn mẫu Classic với giá quy đổi khoảng 70 triệu đồng và chúng tôi đã có dịp trải nghiệm mẫu xe này.
Cảm quan ban đầu, Superstrata là mẫu xe đạp có thiết kế đẹp. Phần khung xe của Superstrata được thiết kế với nhiều đường nét cách điệu, khác với kiểu các thanh thẳng trên xe đạp thường thấy. Nhờ đó, mẫu xe đạp này vẫn khá nổi bật dù không có quá nhiều chi tiết đi kèm.
Phiên bản tôi trải nghiệm mang màu trắng hoàn toàn, chỉ duy nhất khu vực cho logo dưới trụ yên được sơn xám. Ngoài ra, khách hàng có thể tùy chọn nhiều màu khác cho xe cũng như tùy chọn 2 tone màu. Tùy chọn màu Kryptonite hay Stardust khiến chiếc xe đạp này trở nên độc đáo hơn.
Superstrata được giới thiệu là dự án xe đạp có phần khung in 3D đầu tiên trên thế giới. Cụ thể, nhà sản xuất sẽ dùng carbon và nhựa dẻo làm vật liệu để in 3D. Được in 3D nguyên khối, khung xe của Superstrata có sự liền lạc khi không phải chắp nối, hàn như khung truyền thống.
Hiện tại, xe đạp sử dụng khung carbon khá phổ biến trên thị trường với mức giá từ 15 triệu đồng. Mức giá 70 triệu đồng của Superstrata khá cao so với mặt bằng chung của xe đạp carbon. Có thể thấy, mức giá "đắt đỏ" này phần lớn đến từ công nghệ in 3D vì vật liệu carbon không còn quá hiếm như xưa.
Chi thêm tiền để xe hoạt động "bình thường"
"Hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều" là tâm trạng chung của nhiều khách hàng đặt mua Superstrata. Chủ nhân chiếc xe trong bài phải đợi hơn 1 năm để nhận xe sau nhiều lần thất hẹn. Với những khách hàng đặt xe từ giai đoạn đầu (tháng 7/2020), thời gian chờ giao xe lên đến hơn 2 năm.
Dù có giá niêm yết gần 3.000 USD, chủ xe chỉ tốn khoảng hơn 1.000 USD cho mẫu xe này. Theo chia sẻ, anh nằm trong danh sách khách hàng được mời mua sản phẩm với giá ưu đãi. Vui mừng chưa lâu khi được nhận xe, chủ xe tiếp tục thất vọng về chất lượng và độ hoàn thiện của sản phẩm có giá "nghìn đô" này.
Trục bánh trước không thể lắp vào ổ trục do sai số. Sau đó, chủ xe đặt gia công một cây trục khác thì lắp vừa vào ổ trục. Bộ lốp của xe đến từ Casumina - thương hiệu bình dân tại Việt Nam và được cho là không nên xuất hiện trên mẫu xe đạp 70 triệu đồng.
Superstrata có thiết kế đẹp nhưng thiếu tính thực dụng, có thể do thời gian phát triển sản phẩm quá ngắn. Phần khung gắp sau thiết kế hơi rộng, dễ bị chạm chân vào khi đạp với người điều khiển cao khoảng 1,7 m. Phần đèn sau thiết kế khá thấp, gần như bị bánh sau che hoàn toàn nếu nhìn từ phía sau.
Sự thiếu thực dụng của xe dễ thấy nhất qua việc bố trí công tắc đèn và ổ sạc ở phía dưới của sườn xe. Có thể hiểu là Superstrata muốn tối giản chi tiết cho xe nên đã bố trí 2 bộ phận này thẳng vào sườn xe. Công tắc đèn ở sườn trên có thể chấp nhận nhưng bố trí ổ cắm sạc ở gần bàn đạp khá khó hiểu.
Dù có giá niêm yết đến 70 triệu đồng, cảm giác lái của Superstrata khá tệ. Theo chủ xe, các bộ phận khác như bộ truyền động, yên xe, ghi-đông hay bàn đạp đều có chất lượng không quá cao nên anh đã thay mới hoàn toàn. Tổng chi phí để thay mới các bộ phận kể trên khoảng 13 triệu đồng.
Từng là niềm tự hào của Việt Nam, dự án xe đạp Superstrata lại gây ra nhiều tranh cãi về chất lượng cũng như dịch vụ. Có thể đây sẽ là một trong những chiếc xe đạp Superstrata cuối cùng được ra lò khi công ty chủ quản của Superstrata đã ngừng hoạt động từ tháng 5 năm nay.