Đọc nhiều sách về tâm lý, viết lách, đạp xe, đi bộ, học bơi, tâm sự với bạn thân, cho phép bản thân khóc thoải mái hay cày phim có nội dung chữa lành.
Đó là cách Thanh Hằng (27 tuổi, Hà Nội), nhân viên công ty xuất nhập khẩu thực phẩm ở quận Long Biên, áp dụng để cố gắng giảm tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc từ gần 2 tháng qua. Đây cũng là khoảng thời gian cô nhận công việc mới sau hơn 5 năm gắn bó với vị trí quản lý cửa hàng thời trang.
Do chuyển đổi hẳn công việc, Hằng cảm thấy khó khăn để hòa nhập với mọi thứ mới mẻ, từ đồng nghiệp, lịch trình làm việc tới văn hóa công sở. Hơn nữa, sếp là người nước ngoài, luôn trao đổi bằng tiếng Anh nên cô không theo kịp.
“Tất cả khiến mình căng thẳng, thiếu ngủ triền miên và uể oải khi đi làm. Mình cố gắng học hỏi những điều mới để bắt kịp công việc và phần nào giải tỏa stress. Nếu các biện pháp nhẹ nhàng không cải thiện, mình sẽ tìm đến bác sĩ tâm lý để được tư vấn”, cô nói với Zing.
Khách hàng trẻ chi tiền mua giấc ngủ
Tương tự Thanh Hằng, nhiều bạn trẻ phải vật lộn với chứng mất ngủ vì căng thẳng, áp lực trong công việc, cuộc sống. Không ít người tìm “mua giấc ngủ” qua các dịch vụ như lớp thiền, yoga, siro ngủ, gối ngủ, kẹo, nến thơm... với hy vọng cải thiện tình trạng của bản thân.
Chia sẻ với Zing, đại diện một cửa hàng sản phẩm mùi hương handmade ở TP.HCM cho biết nhiều khách hàng trẻ là dân văn phòng hoặc làm việc với cường độ cao tìm mua các mặt hàng nước hoa, nến thơm, tinh dầu, xà phòng, sáp thơm... có tác dụng chữa lành, cân bằng cảm xúc.
Sketchnote - môn vẽ sáng tạo giúp ghi nhớ thông tin và thể hiện nét cá tính, phong cách cá nhân, biểu đạt cảm cảm xúc qua từng nét vẽ - cũng là lựa chọn của người trẻ để giải tỏa căng thẳng.
Chị Mỹ Hồng (29 tuổi, TP.HCM), giảng viên đào tạo về sketchnote tại Học viện Vẽ Tuốt, cho hay việc vẽ chữa lành là một trong những cách sketchnote có thể giúp người trẻ nói riêng và đi làm nói chung có giây phút thư giãn, tĩnh tâm, sống với chính mình.
“Học viên ở đa dạng độ tuổi, chia thành 2 nhóm chính là học sinh (7-15 tuổi) và người lớn đi làm (22-40 tuổi). Phần lớn họ muốn tìm giải pháp ghi nhớ hiệu quả hơn. Cũng có một số học sinh tham gia để biết thêm cái mới và vẽ thư giãn, giải trí”, chị nói với Zing.
Theo chị Hồng, vẽ khiến tâm hồn con người được làm mới và đón nhận nhiều năng lượng tích cực. Do đó, người lớn cũng sẽ tiếp cận nhanh và hiểu đúng về sức mạnh của hình ảnh, giúp kết nối bố mẹ và con cái, bày tỏ cảm xúc, nói ra quan điểm nhờ nét vẽ.
Cần được điều trị sớm
Trao đổi với Zing, ThS.BSCKII Vương Thị Thủy, Giảng viên bộ môn tâm thần ĐH Y Dược Hải Phòng, cho hay rất nhiều người trẻ lứa tuổi 13-17 hoặc ngoài 20, 30 tìm đến bác sĩ để thăm khám sau khi mắc chứng mất ngủ.
“Khi được hỏi về nguyên nhân, hầu hết bệnh nhân tự chỉ ra là do áp lực cuộc sống, mối quan hệ yêu đương, mâu thuẫn với cha mẹ, học tập căng thẳng hoặc không thích ứng được với công việc. Một tỷ lệ nhỏ là mất ngủ không vì nguyên nhân gì, ngay cả khi có gia đình hạnh phúc, điều kiện kinh tế tốt”, bà nói.
Với những người mất ngủ do áp lực và stress, tình trạng tiếp theo là mệt mỏi, uể oải, mất tập trung, giảm chú ý, hết động lực dẫn đến hiệu suất công việc giảm sút. Nếu không được điều trị sớm, tình trạng có thể tiến triển nặng lên buồn chán, bi quan.
“Rất nhiều bệnh nhân mất ngủ vài năm rồi mới tìm đến bác sĩ nhưng việc điều trị cần được tiến hành sớm. Nếu mất ngủ 2-5 ngày, có thể xem xét cơ thể, tự điều chỉnh chế độ sinh hoạt, uống trà thảo dược, giảm tải căng thẳng, đi đây đó để thư giãn. Trong trường hợp kéo dài đến 2 tuần, nên tìm đến bác sĩ bởi nhiều trường hợp khám ra không đơn thuần là mất ngủ mà là trầm cảm, lo âu”, bác sĩ nói.
Bác sĩ Thủy dẫn chứng bệnh nhân nữ 32 tuổi có 4 con, gia đình ở thành phố, kinh tế tốt. Do tham vọng và đặt mục tiêu cao trong công việc, chị mở công ty riêng, tự điều hành với sự hỗ trợ của chồng. Bốn năm qua, bệnh nhân bị căng thẳng, stress và mất ngủ. Khi đến gặp bác sĩ, chị cho rằng bản thân tự đặt căng thẳng cho mình vì công việc suôn sẻ, nhà thuê giúp việc.
Phát hiện dấu hiệu trầm cảm, bác sĩ Thủy tiến hành điều trị cho bệnh nhân. Ở lần tái khám gần nhất, chị ngủ được, ăn tốt, không còn mất tập trung và có hứng thú chăm lo gia đình, công việc.
Theo bác sĩ Thủy, khi bị mất ngủ do áp lực công việc, giải pháp đầu tiên là giảm tải bằng cách bố trí, sắp xếp lại công việc hợp lý.
“Ai cũng có tham vọng, mục tiêu riêng nhưng phải điều tiết. Không thể bỏ hẳn đi hay gạt công việc sang một bên mà cần bố trí lại hợp lý, khoa học. Để ngăn ngừa hậu quả hoặc tiến triển nặng hơn khi có triệu chứng căng thẳng, mọi người cần sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần xem liệu có thể giải quyết tình trạng này thế nào”, bà nói.
Bác sĩ Thủy cho biết thêm: “Khi một người bị căng thẳng, thuốc nên là biện pháp cuối cùng. Trước đó, họ nên tham gia câu lạc bộ, tăng cường hoạt động thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, các lớp thiền, yoga, tập dưỡng sinh, gối ngủ, tinh dầu, nến thơm… cũng có thể hỗ trợ về tâm lý tốt”.