Hoàng Hùng dành nhiều thời gian tham gia các triển lãm trong và ngoài nước.
Cuối tuần, khó ai có thể tìm thấy Hoàng Hùng (30 tuổi, Hà Nội) có mặt tại nhà. Anh thường dành buổi sáng của ngày nghỉ đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngắm tranh, thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật mới được đưa vào trưng bày.
"Đi triển lãm dường như đã trở thành thói quen của tôi, tương tự việc mọi người ngồi cà phê hay đi hiệu sách vậy", anh hào hứng nói.
Chia sẻ với Zing, Hoàng Hùng cho biết mình yêu thích nội thất cùng những không gian sống thẩm mỹ, trong đó đặc biệt có tranh, ảnh. Để thỏa mãn đam mê này, anh dành nhiều thời gian tham gia những triển lãm ở nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…
Đến hiện tại, chàng trai sở hữu bộ sưu tập 15 bức tranh của các nghệ sĩ trong và ngoài nước. Anh không tiết lộ cụ thể mức giá của từng tác phẩm, song ước tính tổng số tiền là khoảng vài tỷ đồng.
Thú 'chơi' tranh
Bước vào căn nhà của Hoàng Hùng, mọi người thực sự ấn tượng khi các bức tranh khổ lớn được gia chủ treo ở tất cả không gian như phòng ngủ, phòng khách, hành lang, lối lên sân thượng và thậm chí trong cả phòng vệ sinh dành cho khách.
Chàng trai tâm sự chưa bao giờ dám tưởng tượng mình sẽ sống ra sao trong một ngôi nhà không có tranh. Nếu điều này thực sự xảy ra, anh chấp nhận bán bớt xe cộ và những đồ vật có giá trị khác để mang về những bức tranh đẹp.
Hoàng Hùng thường chọn mua tranh từ bảo tàng, phòng tranh, họa sĩ hoặc do bạn bè bán lại. Phần lớn trong số đó là tranh vẽ chân dung nhân vật, phong cảnh hoa, lá và chim.
Bức tranh Royal Lady được Hoàng Hùng treo tại vị trí nổi bật trong phòng ăn của mình.
Chỉ tay vào bức họa mang tên Royal Lady của họa sĩ Bùi Hữu Hùng, anh giới thiệu tác phẩm này được lấy cảm hứng từ những hoàng hậu trong lịch sử Việt Nam. Vào thời điểm anh mua tại phòng triển lãm, bức tranh có giá 5.000 USD (tương đương khoảng 120 triệu đồng).
"Thi thoảng, tôi cũng mua tranh do một số họa sĩ nước ngoài sáng tác. Bút pháp đặc trưng của họ giúp bộ sưu tập của tôi phong phú hơn. Tiêu biểu có thể kể đến bộ gồm 3 bức tranh thuỷ mặc của Đài Loan (Trung Quốc) có giá 20.000 USD (hơn 480 triệu đồng)", anh kể lại.
Đối với Hoàng Hùng, việc mua được một bức tranh thực sự cần đến cái duyên của người sưu tập và tác phẩm. Nhiều lần, anh không kịp mua bức họa từ phòng tranh hoặc họa sĩ, đành chấp nhận mua lại từ người khác với giá cao hơn.
"Tôi sở hữu bức Em bé Tây Bắc của họa sĩ Bùi Văn Tuất. Trong số các bức tranh cùng chủ đề, tôi ấn tượng với tác phẩm này hơn cả vì cách phối màu ấn tượng nhưng vẫn mộc mạc. Nhờ kịp mua lại ngay trong tháng phát hành tranh, tôi chỉ cần trả cao hơn giá cũ khoảng 15%. Nếu để càng lâu, giá tranh càng cao, thậm chí gấp đôi sau 2-3 năm. Bởi vậy, mua tranh cũng là một hình thức đầu tư, nhưng tôi mua đơn thuần là từ sở thích sưu tầm", Hùng lý giải.
Tương tự Hoàng Hùng, Nhật Quang (31 tuổi, TP.HCM) cũng dành sự quan tâm lớn đến môn nghệ thuật thứ tư (hội họa). Anh cho biết bản thân có hứng thú với dòng tranh Indochine (phong cách Đông Dương), vì vậy thường đi triển lãm về các nhân vật lịch sử của Việt Nam như nữ sĩ Hồ Xuân Hương hoặc Nam Phương hoàng hậu.
"Gần đây, tôi chú ý đến tranh 3D, nhưng chủ yếu là để cập nhật các xu hướng hội họa mới", anh tươi cười kể về thú vui của mình.
Bộ sưu tập tranh của Nhật Quang chủ yếu bao gồm các tác phẩm theo trường phái trừu tượng hoặc vẽ trắng-đen. Đối với anh, đây là kiểu tranh trông rất ma mị và khó lỗi mốt.
"Tranh trắng-đen không hề nhàm chán mà mang tính nghệ thuật cao. Bức họa không có nhiều màu sắc giúp tôi có thể dễ dàng cảm nhận những đường nét và hình dạng, kích thích trí tưởng tượng của cá nhân", anh nói thêm.
Trong khi đó, với Tường Vi (29 tuổi, TP.HCM), cô không biết niềm say mê với nghệ thuật hội họa đã len lỏi vào tâm trí mình từ khi nào. Cô chỉ biết từ nhiều năm qua, bản thân rất thoải mái với việc dành hàng giờ chỉ để nhìn ngắm một bức tranh mà mình yêu thích.
"Các tác phẩm nghệ thuật như tranh, ảnh hay điêu khắc giúp tôi nuôi dưỡng cảm xúc và làm giàu khả năng thưởng thức. Thú chơi tranh cũng đòi hỏi nhiều tâm huyết và lắm công phu. Chỉ nói riêng về cách bố trí tranh ảnh, nó phải phù hợp với thiết kế của căn nhà và nên được sắp xếp theo một bố cục ngay từ đầu", cô nói.
Trong nhà Tường Vi, cô sưu tầm hàng chục tác phẩm vẽ phong cảnh khác nhau. Khác với nhiều người khác với gout hội họa riêng biệt, cô thừa nhận mình không đặc biệt thích một họa sĩ hay trường phái nhất định nào. Cô hài lòng với sự “phóng khoáng" của mình đối với nghệ thuật.
Hội họa ngày càng được chú ý
"Ngày càng nhiều bạn trẻ quan tâm đến tranh ảnh, hội họa", đó là chia sẻ của Đức Cường (Hà Nội), một họa sĩ trẻ chuyên về tranh phong cảnh với chất liệu màu nước.
Anh nhận định xu hướng này xuất phát từ 2 lý do chính.
Đầu tiên, người trẻ ngày nay có nền tảng kinh tế khá tốt. Với thu nhập tháng 20-50 triệu đồng, họ dễ mua được các tác phẩm phù hợp với không gian cùng sở thích của mình.
Thứ hai, ở hiện tại, công chúng đã rất dễ dàng, thuận tiện để tiếp cận với môn nghệ thuật thứ tư. Trước đây, người mua tranh chỉ có thể tìm đến các triển lãm, phòng trưng bày... Còn bây giờ, họ tìm mua thông qua những cộng đồng uy tín trên mạng xã hội hoặc liên hệ trực tiếp với họa sĩ.
Khi mạng xã hội phát triển, họa sĩ trẻ như Đức Cường có nhiều cơ hội hơn để giới thiệu tác phẩm của mình.
"Mỗi bức tranh đều có thể hợp gout thẩm mỹ với một bộ phận người thưởng thức, không phải cứ bức đắt tiền mới là đẹp. Bạn có thể mua được tranh với 2-3 triệu đồng, cao hơn một chút thì 7-10 triệu đồng, mức giá nào cũng có. Nhưng quan trọng là bạn phải thấy giá trị mình bỏ ra là xứng đáng với tác phẩm", anh cho biết thêm.
Đức Cường cho biết việc sưu tập tranh cũng là một thú vui có thể đem lại hiệu quả kinh tế. Đây không phải là điều những người chơi tranh hướng đến, nhưng không ai phủ nhận điều này.
"Cách đây 3 năm, một bức tranh của tôi chỉ có giá 2 triệu đồng. Nhưng giờ đây, chính vị khách đã mua bức đó chia sẻ lại với tôi rằng giá trị của tác phẩm đã gấp 3 lần. Điều này khiến tôi rất vui và tự hào vì chứng tỏ tên tuổi của mình đang nhận được nhiều sự chú ý hơn. Đây cũng là điều bất cứ họa sĩ nào cũng mong muốn, đó là sự thấu hiểu và công nhận từ những người yêu tranh", anh bày tỏ.
Còn Nghĩa Hoàng (Hà Nội), quản lý một phòng tranh tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cũng cho biết người trẻ trong độ tuổi 20-30 đang tìm đến các triển lãm ngày càng đông.
Theo anh, trước khi mạng xã hội bùng nổ, các phòng tranh khá "đói" người xem. Đối tượng thưởng thức không quá đa dạng, chủ yếu là sinh viên chuyên ngành mỹ thuật, những người đang làm công việc liên quan đến hội họa hoặc người có đam mê với các tác phẩm nghệ thuật.
Giờ đây, mỗi triển lãm cuối tuần ở phòng tranh của anh đều đông kín người.
"Dù các bạn đến để chụp ảnh hay thưởng thức nghệ thuật cũng đều giúp triển lãm năng động, phát triển hơn. Việc người trẻ chọn tiếp cận với các tác phẩm nghệ thuật cũng giúp họ tạm thoát khỏi những xô bồ của cuộc sống và tìm được trạng thái cân bằng", anh hào hứng nói.
Phòng tranh do Nghĩa Hoàng quản lý đông đúc vào dịp cuối tuần.
Quản lý phòng tranh này cũng có những lưu ý cho người đến xem triển lãm nghệ thuật như: Giữ yên lặng, tránh chụp ảnh mất nhiều thời gian, tuyệt đối không sờ, chạm vào các tác phẩm...
"Tôi khuyến khích mọi người hãy chủ động chuyện trò với người quản lý không gian trưng bày. Họ sẽ sẵn sàng giải thích cho người xem về triển lãm và các tác phẩm được trưng bày, thậm chí cung cấp thêm thông tin để mọi người có cái nhìn toàn diện hơn về tác giả, tác phẩm. Từ đây, việc tìm mua tranh cũng dễ dàng hơn", anh nhận định.