Hủy các dự án không cần thiết. Loại bỏ quản lý cấp trung. Làm phẳng hệ thống nhân sự. Đây là tất cả những gì Mark Zuckerberg đã làm để giúp Meta có một năm 2023 thật hiệu quả.
Theo WSJ, trong một ghi chú dài 2.200 từ được nhấn mạnh bằng các tiêu đề như “càng phẳng càng nhanh” và “càng gọn càng tốt”, Zuckerberg chủ đích phác thảo kế hoạch “Năm hiệu quả”, đồng thời vạch ra một số chiến lược giúp Meta chống lại điều kiện bất ổn kinh tế như hiện nay.
“Năm ngoái là hồi chuông cảnh tỉnh”, Zuckerberg viết. “Nền kinh tế thế giới thay đổi, áp lực cạnh tranh tăng lên và tốc độ tăng trưởng của chúng tôi chậm lại đáng kể”.
Tuyên bố này phản ánh rõ tình trạng hiện tại của các công ty Mỹ vốn đang nỗ lực cắt giảm nhân sự như một cách “thắt lưng buộc bụng”. Meta mới đây cũng tuyên bố cắt giảm thêm 10.000 nhân sự trong các đợt sa thải tới, đồng thời xóa bỏ 5.000 vị trí tuyển dụng.
“Đến thời điểm này, chúng ta nên chuẩn bị trước tinh thần, rằng nền kinh tế khó khăn hiện nay sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới. Lãi suất cao khiến nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả. Bất ổn địa chính trị cũng dẫn đến nhiều xung đột. Ngày càng nhiều quy định sẽ kìm hãm đà tăng trưởng và gia tăng chi phí đổi mới công nghệ. Với tình hình này, chúng ta cần hoạt động hiệu quả hơn so với trước đây để có thể thành công”, Mark Zuckerberg nói.
Sau nhiều năm tập trung tăng trưởng, nhiều giám đốc điều hành những tháng gần đây buộc phải thay đổi bộ máy vận hành. Lãnh đạo các công ty, từ Ford đến Salesforce, đều khẳng định sẽ nỗ lực cải thiện năng suất.
“Khi các công ty đối mặt với mối đe dọa cạnh tranh, họ nhiều khả năng sẽ áp dụng các biện pháp quản lý mạnh mẽ hơn và tìm kiếm cơ hội để tạo ra hiệu quả”, Laura Boudreau, giáo sư Trường Kinh doanh Columbia, người chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa công ty và người lao động, cho biết.
Trước đó, Meta cũng yêu cầu nhiều quản lý và Giám đốc chuyển sang làm các công việc cá nhân nhiều hơn hoặc chấp nhận bị sa thải như một cách giúp tập đoàn này vận hành hiệu quả. Động thái này nằm trong chiến dịch “làm phẳng nội bộ”, khiến các quản lý cấp cao chia sẻ quyền lực với cấp dưới và tập trung vào các nhiệm vụ chuyên môn hơn như nghiên cứu, thiết kế, viết code… Những ai không chấp nhận yêu cầu này sẽ phải rời công ty.
“Một tổ chức tinh gọn sẽ vận hành nhanh hơn. Mọi người sẽ làm việc hiệu quả, vui vẻ và thỏa mãn hơn”, Zuckerberg viết.
Được biết, tuyên bố sa thải mới nhất của Meta diễn ra sau một thông báo vào tháng 11 rằng công ty sẽ cắt giảm hơn 11.000 nhân sự. Vào thời điểm đó, Zuckerberg nói công ty đã mở rộng quá mức do nhận định sai về thị hiếu người dùng. “Tôi đã sai và tôi chịu trách nhiệm về điều đó,” vị CEO này viết trong một bức thư gửi cho nhân viên.
Tuy nhiên, theo bà Boudreau, động lực hướng tới “Năm hiệu quả” có thể phản tác dụng nếu chúng ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng công việc hàng ngày của nhân viên.
“Khi lãnh đạo muốn có thêm nhiều kỹ sư hỗ trợ dự án, họ sẽ thuê thêm nhân viên. Điều này khiến các bộ phận ‘phình to’, hoạt động kém hiệu quả hơn và giảm sự linh hoạt đối với những nhiệm vụ cần được ưu tiên”, Mark Zuckerberg nói.
Mới đây, trong một thông báo nội bộ, Meta tuyên bố tạm dừng tất cả các ứng dụng làm việc từ xa. Theo quan điểm của Mark Zuckerberg, nhiều kỹ sư trẻ mới vào nghề sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu trao đổi với đồng đội ít nhất 3 ngày/tuần. Việc xây dựng lòng tin và phát triển mối quan hệ cũng trở nên dễ dàng hơn.
Trong nhiều thập kỷ, các giám đốc điều hành đã đưa ra nhiều sáng kiến cắt giảm nhân sự và chi phí, theo WSJ. Quyết định của Meta được cho là đúng đắn, nhất là khi bộ máy lao động tại tập đoàn này những năm qua ‘phình to’ vô lối.
Mới đây nhất, Keith Rabois, Giám đốc điều hành OpenStore, công ty chuyên hỗ trợ tài chính cho các thương nhân bán hàng bằng Shopify, cho biết “Meta và Google tuyển dụng hàng nghìn nhân viên để… không làm gì cả”. Ông nói các công ty công nghệ lớn cần chịu trách nhiệm vì tuyển dụng quá nhiều, song lại sa thải hàng loạt để cắt giảm chi phí.
“Đây là thước đo phù phiếm đối với việc tuyển dụng”, ông Rabois nói. “Những người này không có việc gì để làm. Tất cả chỉ là những công việc giả. Bây giờ điều đó đang được phơi bày. Những người này thực sự làm gì ư, họ chỉ đi họp thôi”.
Quan điểm trên được tán dương bởi một số chuyên gia tại Thung lũng Silicon, chẳng hạn như Marc Andreessen. Họ cho rằng các tập đoàn lớn đang quá dư thừa nhân viên.
Theo Rabois, ông hy vọng trọng tâm toàn ngành sẽ chuyển từ mô hình tăng trưởng bằng mọi giá sang tập trung đi lên bền vững hoặc sinh lời. Rabois lưu ý việc cắt giảm số lượng đầu người là một trong những cách tốt nhất để duy trì và tạo ra dòng tiền tự do.
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh lãi suất tăng vọt và lạm phát trong những tháng gần đây khiến các công ty công nghệ phải sa thải lượng lớn nhân sự nhằm quản lý chi phí. Theo trang theo dõi sa thải Layoffs.fyi, vào năm 2022, hơn 1.000 công ty đã sa thải hơn 160.000 nhân sự.
Theo: WSJ, BI