Không khí mùa lễ hội dễ cuốn bạn vào việc mua sắm quá đà. Ảnh: Julia Larson/Pexels.
Theo một cuộc khảo sát từ công ty công nghệ tài chính Affirm, chỉ riêng ở Mỹ, gần 70% người dân chi tiêu vượt quá ngân sách cho những kỳ nghỉ lễ vào năm 2021.
Năm nay, việc kiểm soát tiền bạc sẽ còn khó khăn hơn do tình hình lạm phát gia tăng. Akeiva M. Ellis, chuyên gia lập kế hoạch tài chính, cho hay: “Mọi người có xu hướng tụ tập ăn chơi nhiều hơn so với vài năm trước. Theo đó, họ cảm thấy nghĩa vụ phải đầu tư thêm cho quà cáp”.
Trước tình hình này, nhiều người dễ dàng mua sắm những thứ vượt quá khả năng chi trả của mình. Dưới đây, The Wall Street Journal tổng hợp 5 mẹo hiệu quả từ các chuyên gia và cố vấn tài chính giúp bạn thoát khỏi cảnh rỗng túi cuối năm.
Đặt giới hạn chi tiêu
Đầu tiên, bạn cần lập ngân sách cố định dành cho mùa lễ hội sắp tới. Nhiều chuyên gia cho hay dành khoảng 1% thu nhập hàng năm cho các dịp đặc biệt là phương án tiêu dùng phổ biến.
Tuy nhiên, James Guarino, chuyên gia lập kế hoạch tài chính cho hay số tiền cần bỏ ra còn phụ thuộc vào hoàn cảnh sống của mỗi người.
Sau khi xác định được giới hạn chi tiêu, bạn nên chia nhỏ thu nhập thành các khoản chi khác nhau. Điều này giúp bạn tránh được việc xài lố tiền cho những món đồ không thực sự cần thiết.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tính thêm phần tiền dành cho những dịp gặp gỡ hay tiệc tùng phát sinh mà yêu cầu bạn phải có quà tặng kèm theo.
Lưu ý: Bạn hãy đảm bảo mình có số tiền cụ thể cho từng khoản chi. Bạn có thể ghi chúng ra giấy và luôn mang theo bên người như một lời nhắc nhở. Tuy nhiên, bạn chỉ nên giữ riêng tư nội dung chi tiêu, tránh cho người khác biết đến.
Tiết kiệm tiền
Một phương án chi tiêu lý tưởng là tiết kiệm tiền trước ít nhất vài tháng trước dịp lễ để tránh việc phải xài quá nhiều tiền cùng một lúc.
Mark Rylance, chuyên gia lập kế hoạch tài chính, khuyến khích bạn cài đặt chuyển tiền tự động mỗi tháng sang một tài khoản khác chỉ dành cho mua sắm ngày lễ.
Trong trường hợp không kịp dành dụm tiền nhưng lễ Tết đã cận kề, bạn có thể cắt giảm các khoản tiêu nhỏ nhặt không quan trọng như đi ăn ngoài hay mua sắm bất chợt.
Tiếp đó, bạn nên kiểm tra lại danh sách người nhận quà để có thể cắt giảm tiền cho quà cáp.
Mua sắm từ sớm
Việc mua sắm sớm trước nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng vừa giúp bạn tiết kiệm tiền bạc vừa giảm căng thẳng chi tiêu hiệu quả. Chưa kể, nếu bắt đầu mua đồ vào tháng 12, bạn rất có thể đã bỏ lỡ những cơ hội săn đồ giá hời vào các thời điểm trước đó.
Thông thường, bạn chi tiền ít hơn cho sản phẩm trái mùa nên những việc như mua quần áo ấm vào mùa hè sẽ giúp bạn tránh được một khoản chi khổng lồ trong tương lai.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sắm đồ với giá phải chăng vào mùa lễ hội nếu biết lên kế hoạch chi tiêu vào những ngày giảm giá lớn như Black Friday.
Sắm sửa sớm còn giúp bạn tiết kiệm được đáng kể chi phí dành cho vận chuyển. Hiện nay, cước phí giao đồ có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào dịp cuối năm do các vấn đề về chuỗi cung ứng và lạm phát.
Ưu tiên quà tặng đề cao tình cảm và tính sáng tạo
Quà cáp không nhất thiết phải thật cao cấp và đắt tiền. Ellis khuyến khích tặng những món đồ mang lại lợi ích hay ý nghĩa đặc biệt cho đối phương.
Ví dụ: Bạn có thể tận dụng tài năng thủ công sẵn có của mình như nấu ăn hoặc vẽ tranh để tặng gia đình hoặc bạn bè. Quyên góp cho tổ chức tình nguyện họ yêu thích cũng là một ý tưởng đáng cân nhắc khác.
Trả trước một dịch vụ hay trải nghiệm độc đáo nào đó cũng là một dạng quà tặng được đánh giá cao về mức độ chu đáo mà lại không tốn quá nhiều tiền. Chẳng hạn, bạn có thể đặt lịch làm móng cho chị gái tại spa yêu thích của cô ấy.
Bạn cũng đừng ngại ngần chọn những món đồ cổ điển hoặc đã được sang tay làm quà. Nếu người nhận quan tâm đến môi trường, đây chắc chắn là một việc làm tinh tế.
Tránh "vung tay quá trán"
Tiêu xài vượt quá ngân sách cá nhân thường không mang lại lợi ích lâu dài. Song, càng gần ngày lễ, càng nhiều người rơi vào tình trạng này. Chưa kể, xu hướng thanh toán trả sau khiến việc dừng chi tiền khó khăn hơn bao giờ hết.
Vì vậy, bạn nên ưu tiên sử dụng tiền mặt để tránh “cà thẻ” vô tội vạ và rơi vào khoản nợ tín dụng khổng lồ. Dù khó khăn, bạn cũng đừng quá lo lắng và để bản thân cuốn theo mức tiêu dùng của người khác.
Bạn hãy nhắc nhở mình rằng những người bạn yêu quý cũng không mong đợi nhận về quà tặng khiến bạn rơi vào nợ nần dai dẳng. Suy cho cùng, tâm ý đằng sau mỗi món quà mới là điều thực sự quan trọng.