Theo thống kê của Tổng cục Hải quan cuối tháng 2 cho thấy, nhập khẩu thuỷ sản hai tháng đầu năm nay tăng tới 25% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 418 triệu USD. Con số này bằng 64% kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản của cả năm 2012. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản đạt 1,06 tỷ USD, giảm 29,1% so với tháng 1/2023.
Tính đến hết tháng 2 năm nay, Ấn Độ tiếp tục là nhà cung cấp thuỷ sản lớn nhất cho Việt Nam. Giá trị nhập khẩu thuỷ sản trong hai tháng từ Ấn Độ đạt 71,4 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ dừng ở mức 35,9 triệu USD. Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, Việt Nam là nước nhập khẩu thủy hải sản lớn thứ 4 của Ấn Độ.
Indonesia là nhà cung cấp lớn thứ hai với giá trị trên 43 triệu USD, tăng 46,5% so với cùng kỳ 2022. Nhập khẩu thuỷ sản từ Na Uy đạt 39,3 triệu USD, tăng 30%; nhập khẩu từ Chile tăng tới 202,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, nhập khẩu thuỷ sản về Việt Nam có xu hướng tăng mạnh qua các năm. Năm 2012, kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản chỉ dừng ở 655 triệu USD, nhưng đến năm 2015 con số này đã vượt qua mốc 1 tỷ USD, sau đó gần chạm mốc 2 tỷ USD vào năm 2021.
Trong giai đoạn 2012-2022, chỉ duy nhất năm 2020 ghi nhận kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản giảm, đạt 1,67 tỷ USD. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc nhập khẩu bị hạn chế bởi các lệnh cấm vận, phong tỏa. Sang năm 2022, Việt Nam chi 2,72 tỷ USD để nhập khẩu các loại thuỷ sản, tăng 25% so với năm trước đó.
Ấn Độ, Indonesia, Na Uy, Trung Quốc, Đài Loan là 5 thị trường năm ngoái cung cấp thuỷ sản nhiều nhất cho Việt Nam. Trong đó, nhập khẩu thuỷ sản từ Ấn Độ lên tới 378 triệu USD, từ Indonesia 277,8 triệu USD, Na Uy là 259,8 triệu USD, Trung Quốc là 213,4 triệu USD và Đài Loan (Trung Quốc) là 175,7 triệu USD.
Lượng thuỷ sản nhập khẩu một phần làm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu trong nước (DN nhập nguyên liệu về gia công cho các nhà nhập khẩu nước ngoài), còn phần lớn phục vụ tiêu dùng nội địa. Có thể thấy, tại thị trường nội địa, hải sản, thịt ngoại đang tràn ngập với giá rẻ và nhận được sự lựa chọn của nhiều bà nội trợ cũng như giới trẻ.
Kim ngạch xuất khẩu hải sản Alaska sang Việt Nam tăng từ 9 triệu USD năm 2018 lên 27 triệu USD trong năm 2022. Tôm hùm và các sản phẩm cá hồi, cá tuyết, cá minh thái được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng.
Năm 2022, Việt Nam là thị trường tiêu thụ hải sản Canada số 1 ở khu vực Đông Nam Á với kim ngạch đạt 65 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2021. Các sản phẩm được tiêu thụ mạnh như tôm hùm, cua tuyết, ốc vòi voi… Canada cũng nằm trong nhóm 10 nước xuất khẩu hải sản hàng đầu thế giới.
Tại các cửa hàng hải sản hay trong siêu thị dễ dàng thấy hàng chục loại thuỷ sản nhập khẩu như: cá hồi, tôm hùm Úc, tôm hùm Alaska, cua hoàng đế, bạch tuộc Nhật Bản, ốc Pháp, cua nâu Canada, bào ngư Hàn Quốc - Úc,...
Ví dụ như cua hoàng đế, vài năm trở lại đây, mặt hàng này xuất hiện tràn ngập tại các cửa hàng hải sản, rao bán la liệt trên “chợ mạng”. Giá cua hoàng đế dao động từ 1,3-2,5 triệu đồng/kg tuỳ thời điểm. Đáng nói, cách đây 5-6 năm, cua hoàng đế siêu hiếm, giá lên tới 2,5-3 triệu đồng/kg, vậy nhưng nhiều người vẫn “xếp hàng” chờ mua. Chân cua hoàng đế lúc đó cũng được săn lùng, hàng về đến đâu hết đến đó. Tương tự như tôm hùm Alaska , nhiều khi hàng về không kịp, khách phải chờ vài ngày.
Tuy nhiên, đến nay loại nào cũng dồi dào, hàng luôn có sẵn nên khách đặt mua thường được giao ngay trong ngày. Thậm chí, khách lấy vài trăm con tôm hay cua nhập khẩu cửa hàng cũng có thể đáp ứng, không phải “xếp hàng” chờ như lúc trước.