Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì “Hội nghị về phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững” vào ngày 14/7/2022.
Chia sẻ với Markettimes, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HOREA cho rằng đây là những tín hiệu rất tích cực để thị trường bất động sản có thể phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững hơn trong bối cảnh đang có không ít thách thức hiện nay.
Chủ tịch HOREA Lê Hoàng Châu.
Markettimes: Ông có nhận định ra sao về sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với vấn đề chính sách đất đai hiện nay?
Ông Lê Hoàng Châu: Có thể nói Nghị quyết 18-NQ/TW được ban hành đã mở ra những định hướng lớn, rất quan trọng có tính chất tiền đề, mở đường cho những chính sách về quản lý, sử dụng và vốn hóa đất đai trong giai đoạn tới.
Ngay sau khi Nghị quyết 18-NQ/TW được ban hành, Chính phủ và các Bộ ngành cũng đã liên tục có những động thái quyết liệt trong việc sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Đặc biệt, vừa qua, các doanh nghiệp đánh giá rất cao Hội nghị về phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững mà do đích thân Thủ tướng Chính phủ chủ trì.
Có thể nói đây là lần đầu tiên, thị trường bất động sản được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ mục tiêu phát triển “an toàn, lành mạnh, bền vững” với tầm nhìn thị trường bất động sản là “hệ sinh thái bất động sản” có mối liên hệ hữu cơ với các loại thị trường khác, đặc biệt là thị trường vốn, thị trường tiền tệ.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các cơ chế chính sách, giải pháp toàn diện, đồng bộ đi đôi với công tác phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến các địa phương, nhằm thực hiện vai trò của Nhà nước điều tiết hiệu quả nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.
Markettimes:Tinh thần chỉ đạo là vậy, tuy nhiên, theo ông, chìa khóa để thực hiện những mục tiêu lớn trên là gì?
Ông Lê Hoàng Châu: Bất động sản là một trong những ngành kinh tế quan trọng, giữ vai trò động lực và có tính lan tỏa lớn trong nền kinh tế, đóng góp cho ngân sách nhà nước và đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.
Do vậy, Nhà nước cần tạo điều kiện để thị trường bất động sản sớm phục hồi và tăng trưởng theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững.
Để thị trường bất động sản phát triển đạt được mục tiêu “an toàn, lành mạnh, bền vững” thì Nhà nước cần phải kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh thông qua công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất bao gồm các Luật, văn bản dưới Luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực thi pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương.
Có thể nói, pháp luật về đất đai giữ vai trò nền tảng, nên rất cần phải được xây dựng hoàn thiện.
Hiện nay, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, dù đây là một Luật rất quan trọng và Dự thảo cũng rất đồ sộ với 237 Điều mà Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ thông báo tới HOREA thời gian góp ý từ 29/07 đến trước ngày 03/08/2022 là quá ngắn.
Do đó, HOREA đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thêm thời gian để góp ý và sẽ tổ chức nhiều cuộc họp để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và đối tượng bị tác động để Luật Đất đai (sửa đổi) khi ban hành sẽ phát huy cao nhất nguồn lực đất đai góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có xây dựng thị trường bất động sản minh bạch, an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững và tạo tâm thế phấn chấn trong xã hội.
Markettimes:Thực tế cho thấy, công tác hoàn thiện luật pháp liên quan, nhất là Luật Đất đai đang được ráo riết triển khai, vậy theo ông, để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững thì đâu sẽ là những “kim chỉ nam” cần tính đến?
Ông Lê Hoàng Châu: Bất kỳ một chính sách nào cũng phải nằm trong một tổng thể, có sự gắn kết, tương hỗ lẫn nhau.
Chính sách đất đai cũng vậy, nó phải được xây dựng hài hòa, phù hợp với hàng loạt chính sách khác về đầu tư, đấu thầu, tài chính, môi trường,… và trở thành một mắt xích không thể tách rời trong “sợi xích” pháp luật đang vận hành "cỗ xe" nền kinh tế đi lên.
Rất đáng mừng là vừa qua, người đứng đầu Chính phủ cũng đã chỉ ra một loạt những chủ trương mang tính định hướng, theo đánh giá của giới doanh nghiệp là rất phù hợp trong bối cảnh các chính sách đang được hoàn thiện hiện nay.
Đầu tiên đó là chủ trương không hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế, rà soát, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm.
Xây dựng pháp luật để bảo vệ những người làm đúng.
Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư thì lợi ích thì hài hoà, khó khăn rủi ro thì cùng chia sẻ, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai là định hướng phát triển một cách bài bản, tránh việc “ăn xổi” khi xác định trước hết, phải thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm thì mới có người đến làm; có người đến làm thì mới có người đến ở; có người đến ở thì mới có người mua nhà, như vậy thì phát triển bất động sản mới bền vững.
Bên cạnh đó, những chủ trương về những chính sách về tài chính, tín dụng cũng được xác định tương đối hợp lý như việc không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý Nhà nước.
Sử dụng chính sách thuế để hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ bất động sản và chống thất thoát nguồn thu của Nhà nước.
Ngoài ra, việc định hướng thực hiện phổ biến phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất công khai, minh bạch và phát triển hạ tầng chiến lược để tạo không gian phát triển mới, động lực phát triển mới cũng được các doanh nghiệp đánh giá cao.
Markettimes: Xin cảm ơn ông!