Vì sao các hãng xe ô tô chia sẻ công nghệ với nhau?
Việc chia sẻ công nghệ diễn ra hàng ngày, hàng giờ giữa các thương hiệu ô tô với nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở chỗ với những thương hiệu xe độc lập, sự chia sẻ mang tính dè dặt cũng như có nhiều trở ngại. Trong khi đó, với những thương hiệu cùng thuộc sở hữu của tập đoàn mẹ, sự chia sẻ hết sức mạnh mẽ và liên tục.
Chúng ta đều biết những chiếc xe Hyundai và KIA có chung một platform công nghệ, hay rõ ràng nhất là các thương hiệu thuộc tập đoàn Volkswagen như Audi, Skoda, Volkswagen đều sử dụng chung một nền tảng công nghệ phát triển sản phẩm.
Có nhiều lí do dẫn đến việc này, trong đó điều đầu tiên có thể hiểu là giúp tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa năng suất. Chia sẻ công nghệ giữa các thương hiệu cho phép họ chia sẻ các nguồn lực, giảm chi phí phát triển và tối ưu hóa năng suất. Thay vì mỗi thương hiệu phải đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, họ có thể tận dụng và phát triển lại công nghệ hiện có từ các công ty thành viên khác trong tập đoàn.
Việc chia sẻ này cũng giúp các công ty ô tô giải bài toán phải đối mặt với yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao và các quy định khắt khe về tiêu thụ nhiên liệu, khí thải và an toàn. Chia sẻ công cho phép họ tập trung vào phát triển các giải pháp kỹ thuật tiên tiến và tuân thủ quy định, thay vì phát triển từ đầu mọi công nghệ.
Sự chia sẻ công nghệ giữa các tập đoàn ô tô cung cấp cơ hội để nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới và đổi mới trong ngành. Các tập đoàn có thể tận dụng lợi thế của nhau và nhanh chóng phát triển các tính năng và công nghệ mới trên các dòng sản phẩm của mình.
Việc chia sẻ công nghệ cũng giúp đáp ứng xu hướng mới và thị trường đa dạng. Xu hướng hiện nay trong ngành ô tô bao gồm sự phát triển của xe điện, tự lái và dịch vụ chia sẻ xe hơi. Chia sẻ công nghệ giữa các tập đoàn ô tô cho phép họ nhanh chóng đáp ứng các xu hướng này và thích nghi với thị trường đa dạng.
Các hãng xe chia sẻ công nghệ như thế nào với nhau?
Hiện nay, có 2 kiểu chia sẻ công nghệ giữa các hãng xe. Cách đầu tiên, đơn giản, đó là hãng nào có gì thì chia sẻ trong khuôn khổ với hãng kia và ngược lại. Việc này giúp bổ sung những thiếu sót về công nghệ, lấy điểm mạnh của hãng kia bổ sung cho điểm yếu của mình. Tuy nhiên, xu hướng này ít khi xảy ra vì mỗi hãng đều muốn giữ bản quyền riêng cho công nghệ của mình.
Cách thứ 2, thường xảy ra ở những tập đoàn lớn, đó là tập đoàn mẹ đưa ra các công nghệ mẫu, sau đó các hãng con sẽ sử dụng tùy biến cho phù hợp với thị trường, phân khúc, tập khách hàng. Hiện nay, tập đoàn tiêu biểu thực hiện chiến lược này là Volkswagen với các thương hiệu con như Audi hay Skoda. Điều này có nghĩa, một thương hiệu như Skoda có “quốc tịch” cộng hòa Séc nhưng những sản phẩm của thương hiệu này, về bản chất là một mẫu xe mang hoàn toàn công nghệ Đức.
Volkswagen AG phát triển những nền tảng (platform) chung để giảm chi phí phát triển và tăng tính linh hoạt trong việc sản xuất các mẫu xe. Một số nền tảng chung nổi tiếng của Volkswagen bao gồm MQB (Modularer Querbaukasten - nền tảng chung đa dụng) với các mẫu xe tiêu biểu như Volkswagen Tiguan, Skoda Kodiaq hay Audi Q3-Q4, và MEB (Modularer Elektrifizierungsbaukasten - nền tảng chung cho xe điện) với những sản phẩm nổi tiếng như Volkswagen ID.3-ID.4, Skoda Enyaq hay Audi Q4-eTron.
Các công ty trong Tập đoàn Volkswagen chia sẻ công nghệ động cơ, hệ thống truyền động và các hệ thống điện tử liên quan. Điều này giúp cải thiện hiệu suất nhiên liệu, giảm khí thải và đảm bảo tuân thủ các quy định về khí thải trong ngành công nghiệp ô tô. Ví dụ như mẫu Skoda Kodiaq sử dụng động cơ 2.0L TSI cho công suất 180 mã lực cùng Momen xoắn cực đại 320Nm, hệ dẫn động được sử dụng là 4Motion danh tiếng.
Đây là những công nghệ người Việt Nam khá quen thuộc trên mẫu Volkswagen Tiguan. Bên cạnh khối động cơ 2.0 TSI, các mẫu xe Skoda cũng được sử dụng động cơ 1.4L TSI hay động cơ diesel 2.0L TDI, những động cơ quen thuộc được sử dụng trên các mẫu xe Audi hay Volkswagen, những người anh em cùng tập đoàn.
Các mẫu xe Skoda cũng được thừa hưởng trọn vẹn các công nghệ của Volkswagen như hệ thống phanh tự động, hỗ trợ đỗ xe, cảnh báo va chạm, và các tính năng trí tuệ nhân tạo như hệ thống giọng nói và giao diện người dùng thông minh. Bên cạnh đó là các hệ thống giải trí, hệ thống định vị, kết nối internet và các tính năng thông minh khác, nhằm cung cấp trải nghiệm lái xe tiện nghi và hiện đại cho khách hàng.
Bên cạnh đó, việc cho phép tùy chỉnh cho phù hợp với phân khúc nhắm đến, Skoda lại càng có lợi thế phát huy tính bền bỉ, ổn định và đáng tin cậy từ trước đến nay của mình, bên cạnh việc thừa hưởng những công nghệ hiện đại từ Volkwagen. Do vậy, không quá ngạc nhiên khi Skoda luôn được các tổ chức đánh giá uy tín như Consumer Reports (CR) hay J.D Power xếp top 10 những mẫu xe có độ tin cậy cao nhất cũng như nhận được chỉ số hài lòng cao của khách hàng.
Skoda hướng tới chinh phục thị trường Việt Nam
Đến nay, Skoda luôn nằm trong top 10 thương hiệu bán chạy nhất tại châu Âu suốt nhiều năm qua. Trên thế giới, Skoda có mặt tại hơn 100 quốc gia, trong đó có những thị trường như Anh, Đức, Pháp, Nga, Úc, Ấn Độ, Đài Loan,... Việt Nam sẽ là điểm đến chiến lược tiếp theo trong quá trình toàn cầu hóa của thương hiệu ô tô Skoda. Ở giai đoạn đầu, những chiếc ô tô đầu tiên của Skoda sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc từ Liên minh châu Âu và được TC Motor - thuộc Tập đoàn Thành Công (TC Group) phân phối trong năm 2023.
Đồng thời, TC Group cũng đã có kế hoạch lắp ráp ô tô Skoda tại Việt Nam. Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô thương hiệu Skoda tại Tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng, thuộc Khu công nghiệp Việt Hưng, tỉnh Quảng Ninh là dự án được đầu tư 100% bởi vốn của TC Group. Dự án được xây dựng trên diện tích 36,5 ha, công suất 120.000 xe/năm.
Skoda Việt Nam hiện đang trong giai đoạn gấp rút chuẩn bị cho sự kiện ra mắt thương hiệu và xe tại thị trường Việt Nam trong năm 2023. Đây là hành động thể hiện sự quyết tâm của Skoda tại thị trường Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.