Aldi là thương hiệu chung của hai chuỗi cửa hàng siêu thị giảm giá thuộc sở hữu gia đình của Đức với hơn 10.000 cửa hàng tại 20 quốc gia trên thế giới. Trên khắp nước Mỹ, chuỗi này đang mở rộng quy mô nhanh chóng. Theo dữ liệu của công ty dịch vụ bất động sản Jones Lang Lasalle, Aldi là chuỗi cửa hàng tạp hóa phát triển nhanh nhất trong 3 năm liên tiếp tại Mỹ.
Tháng 9 vừa qua, công ty cho biết năm ngoái họ đã có thêm 1 triệu khách hàng mới và chứng kiến doanh số bán hàng tại các cửa hàng hiện có tăng mạnh.
Và giờ đây, không chỉ những khách hàng có thu nhập thấp mới đến Aldi để tìm kiếm những “món hời”. Aldi cho biết tại một sự kiện truyền thông vào tháng 9 rằng họ đã chứng kiến sự gia tăng trong số những người mua sắm có thu nhập trung bình - vốn được định nghĩa là các hộ gia đình có thu nhập từ 50.000 USD - 100.000 USD/năm, cũng như khách hàng có thu nhập cao.
Suzy Monford, giám đốc cấp cao của công ty công nghệ bán lẻ Focal Systems, nhận định: “Hiện tại, mọi người đều muốn mua sắm và được nhận thêm một chút giá trị nào đó”.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy giá thực phẩm và đồ uống của Mỹ đã tăng 13,5% trong năm nay tính đến tháng 8.
Trong bối cảnh đó, Aldi hầu như luôn có giá thấp nhất đối với các sản phẩm thiết yếu như bánh mì, sữa và trứng, Monford nói. Scott Patton - Phó chủ tịch mua hàng quốc gia của Aldi, cho biết giá trái cây và rau của họ thấp hơn từ 20% đến 40% so với các đối thủ cạnh tranh.
Vậy làm cách nào Aldi lại có giá rẻ như vậy? Bí kíp nằm ở điều mà Patton gọi là “hàng nghìn quyết định chiến lược có chủ đích” để duy trì mức giá phải chăng.
Dưới đây là chiến lược kinh doanh tập trung vào trải nghiệm mua sắm được tinh giản tối ưu (no-frills shopping) của Aldi:
Người tiêu dùng sẽ không tìm thấy nhiều thương hiệu yêu thích của mình ở Aldi. Sản phẩm mang thương hiệu riêng của họ chiếm hơn 90% các mặt hàng được bày bán. Đây là tỷ lệ lớn hơn nhiều so với đối thủ như Costco, Walmart và Kroger.
Phó chủ tịch cấp cao của một công ty cố vấn chiến lược nhận định rằng người tiêu dùng có xu hướng ngày càng ưa chuộng sản phẩm kiểu này vì giá cả phải chăng và chất lượng tốt.
Aldi đã tận dụng tâm lý đó để đẩy mạnh các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng của mình. Theo trang web của công ty tại Mỹ, những sản phẩm này rẻ hơn vì không bao gồm một số chi phí như quảng cáo.
Một nhà phân tích tại trang web đánh giá sản phẩm Merchant Maverick chia sẻ: “Khoai tây chiên của Aldi không có nhiều không khí để bao bì phồng lên làm nổi bật tên thương hiệu. Vì vậy, kệ hàng sẽ bày được nhiều sản phẩm hơn và người tiêu dùng sẽ nghĩ rằng chúng ‘thật’ hơn vì không chứa toàn không khí”.
Aldi có thể đàm phán thỏa thuận với một số nhà cung cấp tốt nhất để sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu riêng vì quy mô của họ lớn nên có thể đặt hàng với số lượng lớn.
Nils Brandes, đồng tác giả của cuốn sách viết về thành công của Aldi, cho biết công ty luôn đảm bảo rằng sản phẩm mang nhãn hiệu riêng có chất lượng ít nhất là ngang bằng với các thương hiệu khác.
Aldi bán một số sản phẩm giá tốt trong thời gian nhất định. Chương trình này được gọi là “Aldi Finds” ở Mỹ. Chúng có sẵn trong thời gian ngắn hơn nhiều so với các sản phẩm tương tự tại các nhà bán lẻ khác - thường là 2 tuần tại các cửa hàng ở Mỹ và không được bổ sung khi bán hết.
Các sản phẩm có thể bao gồm từ thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo và các mặt hàng theo mùa cho đến những thứ "bất ngờ" như thiết bị làm vườn và phụ kiện cho thú cưng.
“Khi đi mua sắm, chúng tôi còn săn lùng cả những món hời. Aldi đã làm rất tốt trong việc đem lại sự thích thú cho người tiêu dùng. Việc họ chỉ bán chúng trong thời gian nhất định càng khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn”, một khách hàng cho biết.
Theo Business Insider, Aldi đã thu được lợi nhuận lớn đối với những sản phẩm này vì chúng thường là hàng tồn kho của các nhà cung cấp và được bán cho họ với giá chiết khấu sâu. Được biết, các mặt hàng của chương trình Aldi Finds chiếm khoảng 20% doanh số toàn cầu của công ty.
Khác với các đối thủ luôn tìm mọi cách để kéo dài thời gian mua sắm của khách hàng, Aldi lại có cách bài trí nhằm tối ưu hóa cả thời gian và công sức cho người tiêu dùng.
Hàng giảm giá được sắp xếp ở giữa để khách hàng vừa tham khảo, vừa mua sắm không bị gián đoạn. Các loại nước sốt được xếp trên kệ đông lạnh để tiết kiệm diện tích. Trong khi đó, sản phẩm tươi sống và bánh mì được đặt ở cuối hành trình mua sắm để không bị biến dạng bởi sản phẩm đã mua.
Do cách bài trí như trên, các siêu thị Aldi luôn có diện tích nhỏ hơn đáng kể so với đối thủ. Điều này giúp họ giảm chi phí thuê mặt bằng và bảo trì. Thậm chí, một số cơ sở còn lắp mái nhà bằng kính để tiết kiệm điện thắp sáng. Tuy có diện tích không quá lớn nhưng siêu thị Aldi vẫn đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm như các đối thủ.
Hầu hết các cửa hàng tạp hóa gỡ bỏ sản phẩm khỏi bao bì rồi bày chúng lên kệ nhưng Aldi thì không. Nhân viên của họ có thể chồng những hộp carton này lên nhau để tạo thành kệ hàng. Theo Aldi, việc này vừa nhanh gọn lại vừa giúp tiết kiệm chi phí kệ hàng cũng như công sức của nhân viên.
Một điều nữa, Aldi không cung cấp túi nilon như các siêu thị khác mà khách hàng phải mang túi từ nhà hoặc mua túi có thể tái sử dụng.
Chính vì vậy, không ít người đã sử dụng chính chiếc hộp đựng sản phẩm hoặc lấy một chiếc hộp rỗng tại cửa hàng để đựng đồ thay vì mua túi tại quầy thanh toán. Ngoài ra, điều này còn giúp nhân viên không tốn công dọn dẹp và vứt bỏ những chiếc hộp đã qua sử dụng.
Một chuyên gia nhận định rằng cách Aldi vận hành cửa hàng còn cho phép họ tốn ít chi phí thuê nhân viên hơn các siêu thị khác.
Một biện pháp khác mà Aldi thực hiện để tiết kiệm chi phí là để khách hàng tự đóng gói sản phẩm để mang về. Một khu vực riêng được bố trí ngoài quầy thanh toán với kệ vừa tầm tay để hỗ trợ họ. Cách này giúp tăng tốc thanh toán và giảm chi phí nhân công.
Bên cạnh đó, Aldi còn “cho thuê” xe đẩy hàng. Các xe luôn bị khóa với nhau và chỉ được mở khi nhét vào đó 1 đồng 25 xu. Sau khi mua sắm xong, khách hàng sẽ đem trả xe về chỗ cũ để lấy lại tiền.
Việc này giúp cắt giảm nhân sự chuyên đi “gom” xe đẩy về đúng chỗ đồng thời giảm thiểu khả năng những chiếc xe bị hỏng và cần phải sửa chữa.
Một phương pháp khác để tiết kiệm chi phí của Aldi là in nhiều mã vạch trên một sản phẩm để quét nhanh hơn khi thanh toán. Các siêu thị của họ cũng không phát nhạc để không phải trả phí bản quyền.