Mạng xã hội hiện lan truyền hình ảnh một quán ăn dán biển cấm TikToker Võ Hà Linh, người vấp phải ý kiến trái chiều vì những clip review đồ ăn của mình.
Nhiều người cho rằng đánh giá khen chê của Hà Linh quá cá nhân và TikToker này cũng không có đủ hiểu biết về những món ăn, hàng quán mà mình đến review.
Ví dụ như lần ăn thử món súp hải sản, người này liên tục khuấy rồi chê loãng, bịt mũi chê gỏi ba khía tanh, nói món rau xào mỡ hay món rau nhút quá chua,...
Trước làn sóng chỉ trích, Hà Linh đã đăng clip xin lỗi, tuyên bố dừng review hàng quán. "Việc review quán ăn là hoàn toàn sai, vì ngon hay dở là tùy vào khẩu vị của mỗi người, mỗi vùng miền. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các hàng quán".
Đây không phải lần đầu tiên TikToker gây tranh cãi khi trải nghiệm và đánh giá các quán ăn, nhà hàng. Giữa năm 2022, Zing đã có loạt bài phản ánh Cuộc chiến TikToker và hàng quán .
Không chỉ tại Việt Nam, trong những năm gần đây, các nhà hàng lớn trên khắp thế giới cũng đã gặp nhiều phiền phức vì những người sáng tạo nội dung của TikTok.
Trước lời phàn nàn của thực khách, nhiều nơi đang yêu cầu mọi người không sử dụng đèn flash và đèn chiếu sáng, trong một số trường hợp, thậm chí cấm điện thoại và treo biển hạn chế các TikToker, Influencer.
Rất nhiều lời phàn nàn
Trong một lần đến dùng bữa tối ở Bad Roman (nhà hàng Italy ở Columbus Circle, New York, Mỹ), như thường lệ Morgan Raum (26 tuổi) rút điện thoại và chiếc đèn LED của mình ra để quay chụp lại các món ăn.
Nhưng trước khi cô có thể ghi lại khoảnh khắc hấp dẫn để chia sẻ lên mạng xã hội, một thực khách giận dữ ở bàn bên cạnh đã làm gián đoạn quá trình sáng tạo nội dung.
"Anh ấy hét lên 'đủ rồi, đủ rồi' ở cuối video tôi đang quay", Raum nói với The New York Post. "Tôi sốc vì bị la mắng tại một nhà hàng như vậy. Sau đó, tôi nói xin lỗi và giải thích rằng mình đang quay nội dung...', nhưng anh ấy nói: 'Bạn không thể chiếu đèn như vậy, bạn đang làm phiền chúng tôi!'".
Jenn Back, từng làm việc ở Food Network, gần đây cũng bị chỉ trích bởi cả khách hàng quen và quản lý tại một nhà hàng kết hợp châu Á nổi tiếng ở khu Midtown Manhattan, New York vì dùng đèn flash quay chụp cho nội dung đăng trang cá nhân.
Back (28 tuổi, sống ở Brooklyn) cho biết: "Các thực khách khác đã phàn nàn về cách chúng tôi bật đèn. Quản lý đến nói với chúng tôi: 'Bạn không được phép sử dụng đèn chiếu sáng như vậy'".
Back, người từng được tặng rất nhiều bữa ăn miễn phí để đổi lấy một bài review trên trang cá nhân của cô, rất ngạc nhiên với quy định mới của nhà hàng.
Không chỉ việc quay phim chụp ảnh làm ảnh hưởng đến các thực khách khác, những lời review không đúng sự thật của TikToker, Influencer cũng khiến nhiều nhà hàng điêu đứng.
Hồi tháng 1, cửa hàng thức ăn nhanh Waffle House (ở Georgia, Mỹ) bị quá tải vì một món bánh quế hoàn toàn không có trong thực đơn.
Hai tuần trước đó, một TikToker đã chia sẻ clip order chiếc hamburger kỳ lạ tại nhà hàng địa phương. Thay vì sử dụng bánh mì như thông thường, phần nhân được đặt giữa hai lớp bánh quế. Clip nhanh chóng viral với hơn 6,3 triệu lượt xem.
Tuy nhiên, trước yêu cầu vô lý của nhiều khách hàng, Waffle House đã từ chối phục vụ. "Làm ơn đặt món có trong thực đơn. Chúng tôi không làm bất cứ điều gì bạn thấy trên TikTok", nhà hàng treo biển thông báo.
Không chào đón TikToker
Một số nhà hàng ở New York đang thông báo cho thực khách về chính sách chụp ảnh mới bằng văn bản, theo sau các chuỗi club dành cho thành viên đăng ký như Soho House, những nơi từ lâu đã cấm chụp ảnh.
Raf's, quán ăn theo phong cách châu Âu ở NoHo, gửi email xác nhận đặt chỗ cho thực khách với nội dung "Gần đây chúng tôi đã áp dụng quy định không dùng đèn flash khi chụp ảnh trong phòng ăn chính".
Carriage House, ở West Village, thông báo ngay trên thực đơn: "Flash chỉ dành cho Mardi Gras (các sự kiện của lễ hội Carnival), không phải bữa tối. Vui lòng không quay chụp với đèn flash".
"Ngày nay, văn hóa ăn uống quy định rằng 'điện thoại phải ăn trước' để chụp ảnh món ăn và khơi dậy hứng thú của bữa ăn. Chúng tôi tìm cách duy trì trải nghiệm ăn uống kiểu cũ để khách có được trải nghiệm thực và kết nối. Chúng tôi hy vọng khách sẽ tập trung vào người đi cùng, thay vì nhu cầu chụp ảnh để đưa lên mạng xã hội", Philip Testa, đồng sở hữu Carriage House, nói.
Nhà hàng món Italy Saint Theo's ở West Village cũng có thông báo "vui lòng không chụp ảnh" trên thực đơn của mình, mặc dù trên TikTok và Instagram, những người có ảnh hưởng vẫn đăng ảnh và clip quay chụp lén ở nhà hàng.
Nhà hàng ăn uống cao cấp Reverence ở Harlem có chính sách cấm điện thoại nghiêm ngặt. Tại Lamia’s Fish Market ở East Village, thực khách sẽ nhận được một chai rượu vang miễn phí nếu đồng ý khóa điện thoại trong bữa ăn. Chủ sở hữu và đầu bếp nói rằng 4-5 bàn thường chọn tham gia thử thách mỗi tuần.
Làn sóng cấm người có ảnh hưởng không chỉ diễn ra ở các nhà hàng lớn của New York.
Giữa tháng 2, nhà hàng Fisers' Diner ở Đài Loan (Trung Quốc) đã in hơn 300 tấm biển với nội dung cấm khách hàng quay clip TikTok trong không gian quán.
Chủ nhà hàng Jen-jui nói với Taiwan News rằng ông đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn khách hàng bắt chước trào lưu "khủng bố sushi" ở Nhật Bản.
Hồi tháng 2, một thanh niên 19 tuổi đã bị bắt vì video chơi khăm mất vệ sinh trong nhà hàng sushi ở Nhật Bản. Đến đầu tháng 3, hai người khác cũng bị bắt vì liên quan đến trò chơi khăm này.
"Mặc dù những người này đã tải clip lên Twitter và Instagram, nhưng nó bắt nguồn từ TikTok. Một trong những người này cũng thừa nhận học theo thử thách trên TikTok", Jen-jui giải thích quy định của nhà hàng.