Theo Bloomberg, trong một bài phát biểu vào năm 2019, ông Hứa Gia Ấn, nhà sáng lập của China Evergrande New Energy Vehicle (NEV), đã tuyên bố hãng xe của bản thân sẽ vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất ôtô điện lớn nhất thế giới trong vòng 3-5 năm.
Tuy nhiên, 4 năm sau lời tuyên bố đó, cổ phiếu của công ty đã liên tục xuống giá và hãng xe đang phải chật vật để tìm cách tồn tại. Sau nhiều năm trì hoãn, Evergrande NEV chỉ giao được 900 chiếc xe đến tay khách hàng.
Khó khăn bao quanh tứ bề
Thị trường ôtô điện của Trung Quốc cũng đang ngày càng trở nên gay gắt. Những mẫu xe đến từ các công ty mới như Nio, Xpeng và Li Auto đã chính thức được trình làng. Bên cạnh đó, những đối thủ kỳ cựu như Tesla hay chính công ty đồng hương BYD, nhà sản xuất xe điện lớn thứ hai thế giới, vẫn đang chiếm lĩnh thị trường.
Không chỉ vậy, nhu cầu mua xe điện của người tiêu dùng Trung Quốc cũng dần suy giảm. Điều này đã dẫn đến một cuộc cạnh tranh giá cả khốc liệt. Việc nhiều mẫu xe giảm giá tới 15% đã không còn là chuyện hiếm tại thị trường tỷ dân.
Evergrande NEV đã giành được giấy phép sản xuất ôtô vào năm 2019 nhờ việc mua lại cổ phần của National Electric Vehicle Sweden AB, một công ty xe điện của Thụy Điển. Trước đó, các khoản hỗ trợ của nhà nước và chính sách giảm thuế cho xe điện đã khiến nhiều doanh nghiệp tìm đến ngành sản xuất này.
Tuy nhiên, nhiều công ty đã sớm bị loại khỏi cuộc chơi khi lâm vào cảnh phá sản và buộc phải bỏ hoang các nhà máy. Giới chức Trung Quốc đang tăng cường giám sát các nhà sản xuất ôtô điện sau khi hàng trăm doanh nghiệp đổ xô vào lĩnh vực này. Động thái trên hiện cũng tác động không nhỏ đến tâm lý các nhà đầu tư.
Bất cứ việc chuyển nhượng giấy phép sản xuất ôtô nào cũng cần nhận được sự chấp thuận của chính quyền Bắc Kinh. Điều này yêu cầu các nhà sản xuất phải chứng minh được khả năng tài chính và công nghệ của họ. Đồng thời, công ty cũng phải đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về hồ sơ bán hàng.
Áp lực về dòng tiền
Gần đây nhất, nhà máy sản xuất xe điện của Evergrande NEV tại Thiên Tân đang phải đối diện với nguy cơ ngừng sản xuất, trừ khi có được nguồn vốn mới. Những khó khăn của Evergrande NEV cho thấy việc sản xuất ôtô ở quy mô lớn là một thử thách không hề đơn giản.
Giới chức thành phố Thiên Tân đang kêu gọi các đơn vị đầu tư tham gia vực dậy hoạt động của nhà xưởng. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này sẽ cần phục hồi ít nhất 80% công suất sản xuất của cơ sở Thiên Tân, khoảng 40.000 xe mỗi năm. Việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Evergrande NEV đang tìm kiếm nguồn vốn trị giá hơn 29 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4,2 tỷ USD). Tuy nhiên, ngay cả khi được bơm vốn mới, Evergrande NEV cho biết họ vẫn sẽ có dòng tiền âm tích lũy khoảng 5-7 tỷ nhân dân tệ từ năm 2023 đến năm 2026.
Hãng xe điện này cũng không thể tìm được sự giúp đỡ của công ty mẹ Evergrande. Tập đoàn này vừa công bố kế hoạch tái cấu trúc khoản nợ trị giá hàng tỷ USD.
Sự tồn tại của Evergrande NEV là điều rất quan trọng đối với các chủ nợ của China Evergrande Group. Điều này xuất phát từ việc các khoản nợ từ doanh nghiệp bất động sản trên có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu của hãng xe.
Tuy nhiên, chính bản thân Evergrande NEV cũng đang gồng gánh khoản nợ lên tới 7,5 tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 1 tỷ USD). Các nhà đầu tư cũng đang dần cân nhắc về khả năng thu lại lợi nhuận từ công ty xe điện này.