Thị trường tiếp tục hỗn loạn
Trong một cuộc họp báo được sắp xếp vội vã, Thủ tướng Truss đã đảo ngược kế hoạch cắt giảm thuế, dấu hiệu thứ 2 cho thấy sự thụt lùi của cái gọi là “ngân sách nhỏ” mà Chính phủ của bà hậu thuẫn. Chỉ vài tuần kể từ khi mini budget được công bố, thị trường tài chính Anh đã liên tiếp chao đảo.
Trước đó, bà Truss cũng tuyên bố sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và chọn người thay thế là ông Jeremy Hunt. Quyết định này biến ông Kwarteng trở thành Bộ trưởng Tài chính có thời gian tại nhiệm ngắn thứ 2 trong lịch sử, chỉ 39 ngày.
Trái phiếu chính phủ Anh đã tăng mạnh trước cuộc họp báo của bà Truss. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm chạm 4,261% trong thời gian ngắn ở phiên giao dịch buổi sáng. Lợi suất tỷ lệ nghịch với giá.
Tuy nhiên, mức tăng đó đã biến mất sau cuộc họp báo, khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm trở lại mức 4,819 vào lúc 17h theo giờ địa phương.
Đồng bảng cũng đã tăng vọt trong phiên giao dịch đầy biến động nhưng sau đó giảm tới 1,1% so với đồng USD sau bài phát biểu của bà Truss. Hiện tại, 1 bảng đổi được 1,1205 USD.
Thị trường trái phiếu dài hạn của Vương quốc Anh đã chính thức sa lầy trong những biến động kể từ khi Chính phủ của bà Truss công bố chính sách tài khóa gây tranh cãi của họ.
Điều này cho thấy phát biểu của bà Truss đã không có tác dụng gì trong việc trấn an thị trường hoặc thuyết phục các nhà phân tích rằng cơn bão tài khóa của nước Anh đã qua đi.
Mike Owens, một nhà phân tích, cho biết động thái của Chính phủ Anh, thay vì giải quyết vấn đề, sẽ chỉ khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn trước những biến động chính trị tương lai ở nền kinh tế này.
“Cú quay xe lịch sử này có thể mang lại một số niềm vui cho thị trường nhưng nó đóng vai trò như một lời cảnh báo cũng như gia tăng sự không chắc chắn về những thay đổi to lớn trong ngắn hạn. Điều này khiến người ta lo ngại nền kinh tế có thể tiếp tục đi xuống dưới sự chèo lái của chính quyền hiện nay”, Owens cho biết trong một khuyến nghị.
Nhà phân tích Ben Laidler từ eToro thì cho rằng quyết định của Chính phủ Anh có thể đã quá muộn. Nó tạo cảm giác có một sự sa lầy trong điều hành kinh tế.
“Cái giá của chương trình ngân sách nhỏ khủng khiếp này đã quá cao và người ta không tin pha quay xe có thể làm dịu thị trường một cách bền vững”, Laidler nói.
Trong khi đó, ngày 14/10 cũng là thời hạn cuối cùng mà Ngân hàng Trung ương Anh thực hiện những hỗ trợ với thị trường trái phiếu.
Thuế thu nhập doanh nghiệp được ấn định để tăng từ 19% lên 25% dưới thời cựu Thủ tướng Boris Johnson, người tiền nhiệm của bà Truss. Nó đã được loại bỏ trong cái gọi là mini budget, được đưa ra ngày 23/9. Với việc quay xe, thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng như kế hoạch ban đầu.
“Rõ ràng, nhiều phần trong cái gọi là mini budget của chúng tôi đã đi xa và nhanh hơn so với những gì thị trường mong đợi. Vì vậy, chúng tôi phải thực hiện sự thay đổi cho sứ mệnh của mình”, bà Truss nói.
Áp lực cho Thủ tướng Anh
Ngân hàng Berenberg đã mô tả cú quay xe là một thất bại lớn của bà Truss. Thậm chí, họ còn cho rằng chiếc ghế thủ tướng của bà Truss cũng đang chịu những áp lực nặng nề.
“Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu các nghị sĩ đảng Bảo thủ gây áp lực buộc bà Truss phải từ chức trong những ngày tới. Khi còn hơn 2 năm nữa mới tới thời điểm tổ chức tổng tuyển cử (tháng 1/2024), đảng Bảo thủ có thể sẽ cho rằng việc tốt nhất để duy trì quyền lực là nhanh chóng có một nhà lãnh đạo mới”, Ngân hàng Berenberg nhận định.
Citi Bank không chỉ nghi ngờ Chính phủ Anh hiện nay mà còn đặt câu hỏi về khả năng điều hướng tình hình kinh tế của đảng Bảo thủ, vốn đang cầm quyền ở Vương quốc Anh.
“Câu hỏi ở đây là liệu có nhà lãnh đạo nào của đảng Bảo thủ có thể đưa ra định hướng kinh tế đáng tin cậy hay không. Chúng tôi ngày càng không chắc chắn về điều đó”, Citi Bank viết trong một khuyến nghị gửi tới khách hàng.
Nói rằng Thủ tướng Truss đang chịu sức ép từ chính Đảng Bảo thủ và thị trường, Citi Bank không mong đợi “những lo ngại về tài chính sẽ giảm bớt” sau những động thái vừa rồi của Chính phủ Anh. Họ cũng cảnh báo nhà đầu tư nên sẵn sàng cho những bất ổn trên thị trường trong tương lai.
Tối 14/10 theo giờ Hà Nội, Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng cho biết mình đã bị sa thải trong một thông báo trên Twitter. Ông công bố bức thư từ chức mà mình đã gửi cho Thủ tướng Truss. “Bà đã yêu cầu tôi rời khỏi vị trí Bộ trưởng Tài chính. Tôi chấp nhận”, ông Kwarteng viết.
Trước đó, vị Bộ trưởng Tài chính của Anh đã phải cắt ngắn chuyến công du tới Mỹ để trở về Anh. Việc bị sa thải khiến ông Kwarteng vừa xác lập kỷ lục buồn khi trở thành bộ trưởng tài chính có thời gian tại nhiệm ngắn ngủi nhất nước Anh kể từ năm 1970, khi nắm giữ cương vị này chưa đầy 6 tuần.