Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 52/2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (có hiệu lực từ ngày 1/7), thay thế Nghị định số 101/2012 (đã được sửa đổi, bổ sung). Trong đó, Nghị định 52/2024 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tham mưu, trình Chính phủ ban hành theo quy định pháp luật.
Đáng chú ý, tại Nghị định 52 này, ngoài các quy định về lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, cơ quan quản lý cũng bổ sung quy định về tiền điện tử (e-money).
Cụ thể, Nghị định 52 đã bổ sung một số quy định về tiền điện tử; trong đó, định nghĩa, làm rõ bản chất của tiền điện tử là giá trị tiền Việt Nam Đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Nghị định cũng quy định cụ thể các hình thức thể hiện của tiền điện tử được sử dụng trong hoạt động thanh toán bao gồm ví điện tử, thẻ trả trước. Trong đó, tiền điện tử được lưu trữ trong ví điện tử, thẻ trả trước.
Đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (cung ứng dịch vụ ví điện tử và thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (cung ứng dịch vụ ví điện tử liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng).
Theo NHNN, việc hoàn thiện quy định pháp lý cho tiền điện tử tại Nghị định 52/2024 sẽ góp phần ngăn ngừa, loại trừ các phương tiện thanh toán không hợp pháp do các tổ chức không được phép phát hành. Đồng thời hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong việc ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền điện tử (theo Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo đã được Thủ tướng phê duyệt kèm theo Quyết định số 1255 ngày 21/8/2017).
Tại Nghị định 52/2024, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phải đảm bảo duy trì tổng số dư trên tất cả tài khoản đảm bảo thanh toán cho ví điện tử mở tại ngân hàng không thấp hơn tổng số dư tất cả các ví điện tử đã phát hành cho khách hàng.
Chỉ cho phép sử dụng dịch vụ đối với các ví điện tử có liên kết với tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của chính khách hàng.
Nghị định cũng yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ phải có vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu 50 tỷ đồng đối với dịch vụ ví điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và dịch vụ cổng thanh toán điện tử.
Ngoài quy định kể trên, Nghị định 52 cũng bổ sung quy định liên quan hoạt động thanh toán quốc tế; mở và sử dụng tài khoản thanh toán; hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng đối vơi doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích; và hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán...