Hiện nguồn lực cho các dự án về thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững vẫn chủ yếu phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước.
Nhu cầu lớn, điều kiện ngặt nghèo
Tín dụng xanh, trái phiếu xanh đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia ở Châu Âu, Trung Quốc, Bangladesh, Nhật Bản, Ấn Độ, Mông Cổ, Kazahtan, Sing...
Nhu cầu về nguồn tài chính xanh đối với Việt Nam được các chuyên gia tài chính bàn luận tại hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu xanh và huy động tài chính xanh cho tăng trưởng xanh, bền vững” diễn ra ngày 30/9/2022 tại TP.HCM.
Theo TS. Mai Thế Toản, Viện Chiến lược và chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường, báo cáo của CBI (Climate Bonds Initiative - Sáng kiến trái phiếu khí hậu) cho thấy tổng lượng phát hành trái phiếu xanh đạt 290 tỷ USD vào năm 2020. Dự báo giá trị phát hành trái phiếu xanh của năm 2021 có thể đạt 450 tỷ USD, và cán mốc nghìn tỷ USD phát hành trái phiếu xanh hằng năm vào năm 2023.
Chính phủ Việt Nam đang cần nhiều tiền hơn để đạt được các cam kết về khí hậu theo Thỏa thuận Paris (COP26) nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Mỗi năm, Việt Nam cần huy động gần 1 triệu tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu, trong đó trái phiếu Chính phủ 300.000 tỷ đồng, trái phiếu doanh nghiệp 400.000 tỷ đồng, còn lại là trái phiếu địa phương và trái phiếu khác… Theo đó, nhu cầu trái phiếu xanh là rất quan trọng. Ngay như trong kế hoạch phát triển Điện VIII, Chính phủ sẽ bổ sung nguồn từ trái phiếu xanh, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, cho biết.
Đối với TP.HCM, theo ông Trịnh Minh Nhân, Sở Tài chính TP.HCM, hằng năm thành phố phải huy động khoảng trên 35.000 – 40.000 tỷ đồng để đầu tư. Trong đó, nhu cầu đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố khoảng 10.000 – 12.000 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, TP.HCM huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu xanh nhưng tỷ trọng còn rất thấp. Cụ thể, năm 2016 có 11 dự án trái phiếu xanh thuộc lĩnh vực môi trường, tổng mức đầu tư trên 2.619 tỷ đồng (nguồn vốn từ trái phiếu xanh là 523 tỷ đồng). Năm 2017, có 7 dự án trái phiếu xanh thuộc lĩnh vực môi trường, tổng mức đầu tư là 2.915 tỷ đồng (nguồn vốn từ trái phiếu xanh là 339 tỷ đồng).
Ngoài trái phiếu xanh, thì tín dụng xanh từ nguồn vốn ngân hàng thời gian qua cũng chưa phát triển mạnh. Điều này thể hiện tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu tín dụng của ngành ngân hàng vẫn còn thấp, chỉ chiếm 4,24% trong tổng dư nợ nền kinh tế năm 2021, dù đã tăng so với mức 2,83% năm 2017, theo bà Trần Minh Huế, chuyên gia Tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nguyên nhân, theo bà Huế, khó khăn đối với việc đầu tư vào dự án xanh là các dự án này yêu cầu chi phí cao, cần nguồn vốn lớn có độ nhạy cảm với cấu trúc và điều kiện của việc cấp vốn.
Các nhà tài trợ dự án xanh thường không có đủ dữ liệu để phân tích dự án một cách chi tiết, cẩn thận. Thời gian thực hiện dự án xanh dài, dẫn tới các loại rủi ro, đặc biệt liên quan tới dòng tiền như kỳ hạn quá dài hay các mức lãi suất thấp hơn mức trung bình trên thị trường.
Chi phí đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) rất cao và chỉ mang lại lợi ích trong dài hạn.
Trong khi hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, do đó nguồn lực cho các dự án về thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững vẫn chủ yếu phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước.
Tăng ưu đãi cho trái phiếu xanh
Điều băn khoăn đối với doanh nghiệp là muốn phát hành trái phiếu xanh thì cần tiêu chí, điều kiện gì?
Theo ông Mai Thế Toản, đối tượng được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh gồm: dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường quy định tại khoản 1 Điều 149 hoặc khoản 2 Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường và theo quy định tại Nghị định 65 được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Các dự án này có phải xác nhận không? Không bắt buộc. Việc xác nhận dự án thuộc danh mục phân loại xanh được thực hiện theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, chủ thể phát hành trái phiếu xanh có nhu cầu xác nhận để được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước.
Ngoài ra, để khuyến khích việc phát hành trái phiếu xanh, hiện có nhiều ưu đãi đối với chủ thể phát hành.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, cho biết theo quy định tại Thông tư số 101/TT-BTC, chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ sau: đăng ký niêm yết; quản lý niêm yết; giao dịch; đăng ký chứng khoán; hủy đăng ký chứng khoán một phần; lưu ký chứng khoán.
Ưu đãi về thuế: Bộ Tài chính dự kiến trình các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với các nguồn thu nhập phát sinh từ trái phiếu xanh trong quá trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên, để việc phát hành trái phiếu xanh thực sự đúng và trúng, theo ông Mai Thế Toản, cần xây dựng được danh mục phân loại xanh theo chuẩn mực quốc tế và điều kiện của Việt Nam. Hình thành được hệ thống xác nhận dự án thuộc danh mục phân loại xanh theo hướng đơn giản, hiệu quả.
Cụ thể, cần thiết phải xây dựng danh mục phân loại xanh gắn với các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu. Theo đó, chuẩn hóa và đưa ra định nghĩa chính thức về các khái niệm như “phân loại xanh”, giảm thiểu biến đổi khí hậu, có lợi cho môi trường, xã hội, bền vững (hoặc không bền vững).
Tránh đưa ra các tuyên bố sai lầm/‘tẩy xanh’ các khoản vay, đầu tư, sản phẩm tài chính xanh, có trách nhiệm xã hội hoặc bền vững.
Tránh tình trạng bất ổn tài chính từ ‘tài sản bị mắc kẹt’” nhằm ngăn chặn cấp vốn nhiều hơn cho các hoạt động/công ty/dự án không bền vững.
Để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh, ông Dương cho biết thêm, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục phân loại xanh, làm căn cứ để chủ thể phát hành trái phiếu xanh.
Hoàn thiện Thông tư hướng dẫn Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đối với các nội dung về mẫu biểu báo cáo đối với trái phiếu doanh nghiệp xanh, đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.
Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi đối với trái phiếu xanh. Trong quá trình phát triển thị trường, tiếp tục rà soát các văn bản pháp lý liên quan để cập nhật theo thông lệ quốc tế và thực trạng thị trường Việt Nam.
Quy định về trái phiếu xanh, tín dụng xanh
Tín dụng xanh: Điều 149 (Luật Bảo vệ môi trường 2020) quy định: Tín dụng xanh là tín dụng được cấp cho dự án đầu tư sau đây: Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Quản lý chất thải; Xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Tạo ra lợi ích khác về môi trường.
Trái phiếu xanh: Điều 150 (Luật Bảo vệ môi trường 2020) quy định: Trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành ... để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường.
Nguồn tiền thu được từ phát hành trái phiếu xanh phải được hạch toán, theo dõi theo quy định của pháp luật về trái phiếu và sử dụng cho dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường bao.
Cụ thể: Cải tạo, nâng cấp công trình bảo vệ môi trường; Thay đổi công nghệ theo hướng áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất; Áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát thải ít các-bon; Ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố môi trường; Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đất, tiết kiệm năng lượng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo; Xây dựng hạ tầng đa mục tiêu, thân thiện môi trường; Quản lý hiệu quả nguồn nước và xử lý nước thải; Thích ứng với biến đổi khí hậu, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; Dự án đầu tư khác theo quy định.