“Bối cảnh hiện nay vô cùng khó khăn thách thức. Kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường và chưa có tiền lệ khi sau 2 năm bị tác động bởi dịch Covid-19, các chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới thực hiện nhiều gói hỗ trợ tài khóa và nới lỏng tiền tệ. Nhưng khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các nước lại phải đối mặt với nguy cơ lạm phát.
Xu hướng lạm phát gia tăng đang diễn ra trên toàn cầu, nhất là nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, các nước khu vực đồng tiền chung Euro… đang đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ. Để ứng phó với lạm phát, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang tăng nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành. Theo thống kê, ngân hàng trung ương các nước phản ứng rất mạnh đối với biến động này, phải tăng lãi suất rất mạnh với khoảng trên dưới 200 lượt tăng lãi suất ở mức cao.
Trong khi đó, Việt Nam có độ mở cửa kinh tế rất lớn, nhu cầu vốn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng nhiều… Với bối cảnh khó khăn, thách thức hiện nay, để đạt được mục tiêu chung là góp phần ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, có sự giải thích, hướng dẫn thống nhất trong quá trình triển khai.
Cụ thể, công tác điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh và đặc biệt giữ chân dòng vốn đầu tư nước ngoài. Hoạt động truyền thông được đẩy mạnh giải thích cho dư luận về các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống. Vừa qua, việc kiên định điều hành chính sách tiền tệ đúng và trúng đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Bất kể trong hoàn cảnh nào, Ngân hàng Nhà nước luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống lên hàng đầu, vì nếu như lạm phát không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ người dân, nhất là những người dân còn khó khăn, nên phải kiên định mục tiêu.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng sẽ tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị để giải thích rõ với doanh nghiệp rằng, nếu không ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, doanh nghiệp sẽ là những người gặp khó khăn khi thị trường biến động”.
“Ba tháng cuối năm, dư địa thực hiện chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ trong việc kiểm soát tốc độ tăng chỉ số CPI bình quân khoảng 4% hoàn toàn có thể thực hiện được, tất nhiên loại trừ những yếu tố tác động quá bất ngờ.
Một số yếu tố có thể làm giảm áp lực lạm phát thời gian tới như: những mặt hàng do Nhà nước định giá, giá dịch vụ công giữ ổn định từ nay đến cuối năm, theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá; sự kiên định trong chủ trương điều hành của Nhà nước trong việc giữ ổn định kinh tế mô, kiểm soát lạm phát; các chính sách miễn giảm thuế, phí...; tốc độ tăng trưởng GDP rất khả quan.
Cục Quản lý giá cũng kiến nghị những giải pháp cụ thể để thực hiện được mục tiêu này.
Một là, tiếp tục thực hiện tốt Công điện số 679 ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, nhất là nhóm các mặt hàng tác động nhiều đến CPI. Cùng với đó, bám sát ý kiến chỉ đạo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá trong việc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương luôn theo dõi, bám sát tình hình, đảm bảo các yếu tố cung cầu và xử lý ngay nếu như có những biến động giá bất thường.
Hai là, thực hiện các biện pháp tiền tệ thận trọng, chủ động, hiệu quả phối hợp với các chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm... góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Ba là, tiếp tục chủ động trong đề xuất xây dựng phương án điều chỉnh giá mặt hàng do Nhà nước quản lý. Chủ động phương án điều chỉnh giá để trình các cơ quan.
Bốn là, sử dụng linh hoạt hiệu quả các công cụ, các biện pháp điều tiết để bình ổn giá thị trường, tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá và công khai thông tin về giá.
Tổ chức thanh kiểm tra, chấp hành pháp luật giá. Các bộ, ngành, các địa phương theo dõi diễn biến cung cầu giá cả thị trường thuộc lĩnh vực quản lý, để có biện pháp điều hành phù hợp”.
“Qua trao đổi với lãnh đạo các tổ chức tín dụng, tôi được biết, kết quả hoạt động quý 3/2022 về cơ bản là tốt. Đây là dấu hiệu đáng mừng, trong bối cảnh lãi suất huy động tăng nhanh từ đầu quý 3, trong khi lãi suất cho vay hầu như không điều chỉnh và mức tăng không nhiều so với tốc độ tăng của lãi suất huy động.
Còn về việc quý 4/2022 lãi suất cho vay có tăng hay không, tôi cho rằng, nếu cho doanh nghiệp vay với lãi suất cao mà cuối cùng doanh nghiệp không thể trả được tiền gốc, chưa nói đến lãi, thì chắc chắn không ngân hàng nào cho vay.
Thực tế, để có thể cho vay, các ngân hàng thương mại phải cân nhắc, tính toán rất kỹ khi buộc phải nâng lãi suất cho vay. Khách hàng chấp nhận vay nhưng dự án của khách có hiệu quả hay không trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều tác động đến chính các doanh nghiệp. Lãi suất chỉ là một phần của vấn đề, trong khi nhiều tác động bên ngoài ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Các tổ chức tín dụng đang gánh vác nhiều trọng trách nên khi cho vay rất thận trọng, vì vừa phải nâng cao hiệu quả an toàn vốn, đảm bảo chất lượng tín dụng, vừa phải hỗ trợ cho doanh nghiệp… Làm thế nào để hài hòa các trọng trách chứ không phải các tổ chức tín dụng muốn nâng lãi suất cho vay lên là nâng để kiếm lợi nhuận, bởi xét cho cùng, khi doanh nghiệp vay và không trả được nợ dẫn đến nợ xấu thì rủi ro này các tổ chức tín dụng gánh chịu. Bài toán là cả hai bên, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng phải khôn ngoan, để cùng thắng thì cả hai phải đồng cam cộng khổ, chia sẻ những khó khăn, thay vì chỉ biết lên tiếng kêu than mà không nhìn vào bản chất của vấn đề, qua đó tránh lợi bất cập hại.
Song cũng phải nhấn mạnh rằng, tất cả các hoạt động đều phải theo quy luật thị trường, chứ không thể lãi suất đầu vào liên tục tăng mà không tăng lãi suất cho vay. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, các tổ chức tín dụng đang tiết giảm chi phí tối đa để đưa phần chi phí này vào hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nghĩa là, các tổ chức tín dụng đang gồng gánh trong khả năng chịu đựng được. Trong trường hợp không chịu đựng được thì buộc phải điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động của ngân hàng”.
“Việt Nam đang ở nhóm các quốc gia có thu nhập ở mức trung bình thấp, thách thức lớn đặt ra là phải duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, sớm vượt qua nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, do mức độ và chiều hướng tác động của các thách thức trong và ngoài nước lên các ngành có sự khác nhau nên sẽ không có một công thức chung về chiến lược thích ứng cho tất cả các doanh nghiệp. Về tổng thể, các doanh nghiệp nên xây dựng chiến lược thích ứng theo ba nhóm giải pháp.
Nhóm giải pháp đầu tiên, tập trung quản lý khủng hoảng và quản lý thanh khoản. Ví dụ, thiết lập đội phản ứng nhanh để xử lý các vấn đề bất thường phát sinh về an toàn lao động, nguồn cung ứng, nguyên liệu sản xuất. Quản lý thanh khoản yêu cầu các doanh nghiệp phải cân đối dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết và theo dõi chặt chẽ công nợ. Các kế hoạch mua sắm tài sản có thể xem xét gác lại và lựa chọn các giải pháp thay thế như đi thuê tài sản để duy trì lượng tiền mặt dự phòng đủ lớn.
Nhóm giải pháp thứ hai, hướng đến tạo ra những giá trị ngắn hạn thông qua việc rà soát và đưa ra các giải pháp có thể thực hiện ngay để tăng hiệu quả hoạt động và tăng dòng tiền.
Các giải pháp có thể bao gồm rà soát lại danh mục đầu tư và bán hoặc thoái vốn thích hợp, phân bổ lại nguồn lực đầu tư nhằm tối ưu hiệu quả và tối ưu các khoản vay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng xem xét lại cơ cấu sản phẩm, cơ cấu khách hàng và chính sách giá; rà soát lại công tác mua sắm và chi phí chuỗi cung ứng, tối ưu thuế và tối ưu vốn lưu động.
Nhóm giải pháp thứ ba, doanh nghiệp cần tập trung vào chiến lược tái định vị, bao gồm cải tổ mô hình kinh doanh, xem xét lại mô hình tăng trưởng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, và cải tổ phương thức phản hồi, nhằm tương tác tốt và hiệu quả hơn với hành vi và nhu cầu khách hàng. Đây chính là nội dung cốt lõi trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức”.
“Hiện nay, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức. Hàng hóa khi đưa ra thị trường chưa đạt kỳ vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đơn hàng mới cũng không được nhiều trong khi thị trường đang bị bó hẹp lại và gián đoạn ở cả hai phía, cung và cầu.
Trong khi đó, tình hình lạm phát căng thẳng trên thế giới, đặc biệt ở các thị trường lớn, các quốc gia phát triển - nơi có dòng vốn dồi dào, điều này khiến cơ hội gọi vốn, cơ hội M&A của các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ ít đi. Ngoài những yếu tố trên, doanh nghiệp cũng phải ứng phó với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khiến giá cả đầu vào tăng.
Những biến động liên tục nói trên khiến doanh nghiệp rất khó đưa ra phương án kinh doanh khả thi, không có phương án kinh doanh khả thi lại khó tiếp cận các gói tín dụng ngân hàng, bởi khi ngân hàng cho vay đều yêu cầu doanh nghiệp chứng minh khả năng trả gốc/lãi khi đến hạn.
Khi lãi suất tăng, doanh nghiệp cũng phải tính toán lại bài toán tài chính. Đầu tiên là phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro từ 3 - 5%. Nếu không có nguồn dự phòng rủi ro này thì doanh nghiệp rất dễ gặp khó khăn dòng tiền, mất cân đối về khả năng thanh toán trong bối cảnh hiện nay. Đáng nói, nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có thể dẫn tới thiếu nguyên liệu đầu vào, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu doanh nghiệp. Tiếp đó, phải tìm kiếm đến các ngân hàng có khả năng giải ngân trong trung và dài hạn để đảm bảo ổn định dòng tiền.
Theo quan sát của tôi, những ngành phục hồi tốt có thể kể đến như công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng, những ngành sản xuất hàng thiết yếu… Đây cũng là những ngành sử dụng nhiều lao động, cần được hỗ trợ. Nếu Nhà nước tập trung nguồn lực, giúp họ ổn định sản xuất thì những doanh nghiệp này sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Khi người lao động có công ăn việc làm với thu nhập ổn định cũng sẽ góp phần kích cầu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, liên quan đến đặc sản vùng miền cũng cần được ưu tiên. Những làng nghề ở nông thôn cần cú hích rất lớn, vốn mạnh để hiện đại hóa các vùng nguyên liệu. Khi thế giới biến động như đại dịch vừa qua, nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế. Khi chúng ta làm chủ được lương thực, làm chủ được bài toán năng lượng thì chắc chắn hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế.
Các nhóm doanh nghiệp mà tôi vừa đề cập rất cần được cấp vốn với lãi suất ổn định trong thời gian dài, từ 3 đến 5 năm”.
“Không thể ngờ đại dịch lại kéo dài dai dẳng như vậy. Sau khi dịch bệnh tạm lắng, hoạt động kinh doanh của chuỗi cửa hàng Lofita gần như làm lại từ đầu, từ tái đầu tư, sửa chữa lại cửa hàng, tuyển dụng, đào tạo nhân sự mới… nhờ nguồn tiền dự trữ và xoay vòng vốn kinh doanh.
Thời điểm các doanh nghiệp hoạt động trở lại cũng là lúc giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, do đứt gãy chuỗi cung ứng khiến nhập khẩu nhiều mặt hàng gặp khó. Cùng với đó, nhiều nhà cung cấp nguyên liệu sau vài năm khó khăn trong làm ăn, cũng tranh thủ nâng giá. Chi phí nguyên liệu chiếm tỷ lệ lớn, lên tới 20-25% trong khi nhiều mặt hàng đầu vào tăng cao như hạt điều, cà phê, trà nhập khẩu… khiến giá bán nhiều đồ uống, sản phẩm phải tăng theo. “Anh cả” trong các chuỗi thương hiệu trà, cà phê ở Việt Nam như Highlands cũng bắt buộc phải tăng giá, dù nhận sự phản ứng từ khách hàng, cộng đồng mạng.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi rất mong muốn Chính phủ điều hành sao cho giá cả hàng hóa ổn định hơn. Đồng thời, chúng tôi phải tự tính toán để nhập hàng giá tốt nhất bằng cách gom đơn, tăng sản lượng để được chiết khấu giá tốt hơn, hoặc lựa chọn nhà cung cấp khác có mức tăng giá hợp lý. Lofita cũng kiếm tìm giải pháp quản lý bán hàng chuyên nghiệp, số hóa trong ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) thông qua việc hợp tác với Ipos, giúp quá trình vận hành thuận lợi hơn, dễ dàng theo dõi thu chi, doanh số chi tiết và tiện lợi khi đưa các chương trình mới vào phần mềm bán hàng...
Đáng ngại hơn cả, mặt bằng lãi suất huy động tăng chắc chắn sẽ kéo theo mặt bằng lãi suất cho vay tăng. Điều này ảnh hưởng đến việc tái đầu tư hoặc nhân rộng cửa hàng, bởi bên nhận nhượng quyền trong mô hình franchise sẽ phải suy xét lại, do lo ngại lãi suất cho vay tăng cao ăn mòn lợi nhuận kinh doanh. Vẫn biết là khó nhưng tôi rất mong các ngân hàng chia sẻ hơn với doanh nghiệp, có thể ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hoặc chỉ tăng rất nhẹ”.