Thu cũ-đổi mới là chính sách được nhiều thương hiệu smartphone lớn và đại lý bán lẻ tại Việt Nam áp dụng. Chương trình thường tập trung vào iPhone và một số điện thoại Samsung cao cấp vì có giá trị bán lại. Hình thức giao dịch này đem đến nhiều lợi ích cho người mua và phía phân phối, giúp bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, sau nhiều năm hiện diện, chính sách này vẫn không được khách hàng trong nước ưa chuộng. Bất đồng về giá cùng thói quen chia sẻ thiết bị với người thân khiến hình thức kinh doanh này khó phổ biến ở Việt Nam.
Đại lý muốn thu cũ iPhone từ khách lên đời
Từ 2019, các hệ thống bán lẻ trong nước bắt đầu áp dụng nhiều hơn các khuyến mãi, chương trình ưu đãi nhằm khuyến khích khách hàng tham gia thu cũ- đổi mới điện thoại. Phiếu giảm giá 1-2 triệu đồng khi lên đời iPhone hoặc điện thoại Samsung cao cấp là những ví dụ.
Chia sẻ với Zing, đại lý cho biết chương trình thu cũ có nhiều lợi ích cho phía nhà bán hàng.
“Với hãng, đây là cách khuyến khích khách hàng nâng cấp sản phẩm với tần suất nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa thời gian đổi máy ngắn lại, tăng doanh số sản phẩm mới. Ngoài ra, việc quy đổi, lên đời giúp khách hàng phải chi ít hơn cho chiếc máy đắt tiền”, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Ngành hàng Viễn thông, Di động FPT Shop chia sẻ.
Ngoài ra, đây còn là cách để giữ chân khách hàng, không chuyển sang đại lý, thương hiệu điện thoại khác. Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện truyền thông hệ thống CellphoneS cho biết thu cũ-đổi mới giúp tăng sự gắn kết giữa khách và nhà bán lẻ. Ngoài ra, thương hiệu smartphone được lợi ở điểm duy trì khách hàng cũ và lôi kéo người dùng từ thương hiệu đối thủ.
Hiện tại, giá thiết bị điện tử ngày càng tăng, các dòng điện thoại iPhone, Samsung đời mới vượt mốc giá 30 triệu đồng. Đồng thời, sản phẩm được chế tạo tốt, đảm bảo được thời gian sử dụng lâu dài hơn. Do đó, các công ty ngày càng khó thuyết phục khách hàng đổi thiết bị mỗi năm.
Trade-in (thu cũ-đổi mới) là một chiêu bài hiệu quả để khuyến khích việc nâng cấp thường xuyên.
Đối với khách hàng, việc tham gia thu cũ giúp thanh lý sản phẩm qua sử dụng với quy trình đơn giản. Thiết bị được giám định và báo giá trên thang điểm về tình trạng. Khách hàng không cần tìm đầu ra và chịu trách nhiệm bảo hành với thiết bị đã bán.
Khách hàng Việt thờ ơ
Chương trình đổi máy cũ thường kèm thêm nhiều khuyến mãi, nhưng vẫn không được khách hàng trong nước ưa chuộng. Trả lời Zing, ông Tuấn Minh, quản lý ngành hàng Apple tại Hoàng Hà Mobile cho biết tỷ lệ tham gia thu cũ tại hệ thống ở mức rất thấp, chỉ 3-5%.
“Điện thoại vẫn là mặt hàng giá trị cao, dùng được lâu dài nên người Việt có thói quen ‘cha truyền con nối'. Khách khi lên đời thường chọn để lại máy cũ cho người thân. Do vậy, tỷ lệ tham gia trade-in không cao như các nước phương Tây”, ông Minh nói.
Tương tự, tỷ lệ tham gia thu cũ-đổi mới tại FPT Shop cũng không cao. Đại lý này cho biết giá nhập thường không đạt được mức mong muốn của khách hàng. Do đó, tỷ lệ trade-in thành công giảm sút.
“Giá mong muốn của khách và mức từ đơn vị thu mua máy cũ còn cách xa. Ở Việt Nam còn nhiều cách bán lại máy với giá khá tốt nên những kênh này được khách ưa chuộng hơn trade-in”, ông Kha nói.
Trả lời Zing, đại diện nền tảng rao vặt trực tuyến Chợ tốt cho biết càng cận kề thời điểm mở bán iPhone mới, sản phẩm cũ có lượng đăng bán tăng lên đáng kể. Dữ liệu từ công ty này cho thấy số máy iPhone 12, iPhone 13 được rao trên nền tảng xuất hiện nhiều hơn từ tháng 9.
Trong khi đó, một số đơn vị trong nước trực tiếp thu máy cũ, không làm qua đối tác nên giá nhập cao hơn. Qua đó, lượng khách chọn bán lại máy cho cửa hàng được cải thiện. Hệ thống Di Động Việt cho biết tỷ lệ khách bán máy, lên đời tại đại lý này ở mức trên 30%.
Thực tế, đa phần chương trình thu cũ đổi mới tại các đại lý Việt Nam được thực hiện qua một đơn vị bên thứ 3. Comp Asia và SKTEL là hai công ty chuyên thực hiện thu mua, làm mới và phân phối trở lại thiết bị qua sử dụng.
Ngoài ra, đúng nguyên tắc, việc thu mua máy cũ cũng cần nộp thuế VAT theo quy định của pháp luật ở mức 10%. Tuy nhiên, một số đại lý tại Việt Nam vẫn chưa thực hiện nghiêm túc quy định này. Một phần lý do từ mặt hàng cũ khó quản lý hơn máy mới.