Hôm 26/5, công ty nghiên cứu thần kinh Neuralink của tỷ phú Elon Musk cho biết họ đã nhận được sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để triển khai nghiên cứu lâm sàng đầu tiên trên con người.
Tuyên bố trên được đưa ra đúng nửa năm kể từ tháng 11/2022 – thời điểm ông Musk nói rằng Neuralink chỉ mất khoảng 6 tháng nữa trước khi lần đầu được thử nghiệm trên người.
Đây là cột mốc quan trọng của Neuralink, tạo tiền đề cho cho những nghiên cứu trong tương lai của công ty.
Hiện tại, khó có thể khẳng định ai sẽ là người đầu tiên đảm nhận trọng trách này. Có thể là một bệnh nhân gặp vấn đề về thần kinh, một “fan cuồng” muốn thu hút sự chú ý của Elon Musk hay thậm chí là chính bản thân tỷ phú.
Ông Musk cũng từng tuyên bố sẽ cấy thiết bị này vào đầu của chính mình vào một thời điểm không xác định trong tương lai.
Trước khi được cấp phép, kế hoạch thử nghiệm cấy chip não của Neuralink trên người khiếm khuyết đã phải qua nhiều lần điều chỉnh để đạt được sự chấp thuận của các nhà quản lý.
Vào đầu năm 2022, công ty đã bị FDA từ chối đơn đăng ký. Khi giải thích quyết định, FDA đã đưa ra hàng loạt vấn đề lớn mà Neuralink phải giải quyết trước khi thử nghiệm trên người.
Mối quan tâm chính về an toàn của cơ quan liên quan đến pin lithium của thiết bị, khả năng các dây nhỏ của mô cấy di chuyển đến các khu vực khác của não, và các câu hỏi về việc làm thế nào để loại bỏ thiết bị mà không làm hỏng mô não.
Trước đó, Neuralink cũng bị cáo buộc ngược đãi các đối tượng thử nghiệm động vật, chủ yếu là khỉ. Công ty sau đó tiếp tục bị điều tra vì cáo buộc vận chuyển các thiết bị bị ô nhiễm lấy từ khỉ.
Đáng lưu ý, Neuralink không phải là công ty đầu tiên được cấy chip vào não người. Công ty chuyên phát triển các giải pháp công nghệ thần kinh Synchron đã được FDA chấp thuận để bắt đầu thử nghiệm tại Mỹ vào năm 2021 và đã công bố ca cấy ghép đầu tiên của vào tháng 7/2022.
Tháng 1 năm nay, Synchron đã công bố kết quả của một nghiên cứu trước đó về 4 bệnh nhân người Australia.