Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) vừa có công văn góp ý việc sơn lại công trình chợ Bến Thành, gửi UBND quận 1, Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM và Ban Quản lý chợ Bến Thành.
Theo Sở VHTT, chợ Bến Thành là công trình được Trung tâm Bảo tồn di tích TP nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng di tích. Do đó, Sở VHTT thống nhất việc sơn lại 4 mặt tiền công trình theo màu sắc hiện hữu để bảo vệ, phát huy giá trị công trình.
Mã màu sơn chủ đạo là 1154 và 1966, sơn Jotun, cùng tone màu hiện tại. Nguồn kinh phí từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của quận 1 và nguồn xã hội hóa.
Trung tâm Bảo tồn di tích TP được giao hướng dẫn chuyên môn để UBND quận 1 và Ban Quản lý chợ Bến Thành thực hiện đảm bảo chất lượng.
Trong quá trình thực hiện, UBND quận 1 có trách nhiệm đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để ảnh hưởng đến giao thông, buôn bán của tiểu thương và hoạt động mua sắm, tham quan của du khách.
Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1912, với diện tích 13.056 m2. Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành và khu chợ cũng có tên gọi là Bến Thành (tên gọi chính thức vẫn được sử dụng cho đến ngày nay).
Chợ Bến Thành nằm ở khu vực trung tâm TP.HCM, giữa các đường Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh - Lê Thánh Tôn - Công trường Quách Thị Trang. Chợ kinh doanh các ngành hàng gồm: Quần áo, vải sợi, giày dép, thời trang, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm tươi sống, trái cây, hoa tươi…