“Tôi cho con đi trekking từ tháng 11/2021. Sau Tết, con được đi thêm 3 lần nữa nhưng vẫn ít hơn so với kế hoạch và kỳ vọng. Tôi đang sắp xếp công việc để cùng con khám phá những cung đường tiếp theo vào mùa hè này”, anh P.T. (Hà Nội) chia sẻ với Zing.
Gia đình anh P.T. ở thành phố, vì vậy, bé K. (con gái anh T.) ít có không gian chơi hay vận động tự do. Năm ngoái, trải qua đợt giãn cách xã hội kéo dài, tháng chín, con vào lớp 1 trong tình cảnh phải học online ở nhà, lại càng ít tiếp xúc với bên ngoài. Anh cố gắng tìm kiếm các giải pháp để bù đắp thiệt thòi cho con.
Bù đắp cho con bằng kế hoạch dài hạn
Theo nam phụ huynh, việc để con xem TV, điện thoại để giải trí, mua thêm đồ chơi, thú cưng hay tăng làm việc nhà để rèn luyện chỉ là giải pháp trước mắt, ngắn hạn. Anh trăn trở tìm kiếm, xây dựng các kế hoạch cụ thể, dài hạn hơn để con tham gia.
Tháng 11/2021, anh tìm lại đam mê leo núi của bản thân và nghĩ đến việc cho con trải nghiệm hoạt động này. Theo anh, khi tham gia trekking, con được gần gũi với thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa, đời sống của người dân tộc ở nơi đó (nếu có), từ đó, con dần phát triển sự cảm thông, tình thương với mọi người xung quanh.
Bên cạnh đó, trekking là loại hình thể thao đòi hỏi di chuyển đường dài, liên tục và vượt qua nhiều địa hình khác nhau. Việc vận động nhiều sẽ giúp con cải thiện sức khỏe, tăng sức bền, sự dẻo dai. Con cũng sẽ tăng khả năng tự lập, đoàn kết, tương tác trực tiếp với mọi người xung quanh. Khi trải qua nhiều cung đường, con học cách lập kế hoạch, quản lý rủi ro cho bản thân.
“Ở một số nước, môn thể dục được đề cao ở bậc phổ thông nhưng ở Việt Nam, môn này lại chưa thực sự được chú trọng. Chính vì vậy, tôi muốn con thích vận động, tăng cường rèn luyện thể chất và học tập từ thể thao để có ý chí, nghị lực vượt qua giới hạn của bản thân”, anh P.T. chia sẻ.
Những chuyến trekking đầu đời
Với những lý do đó, anh P.T. quyết định cho con gái trekking nóc nhà của Hà Nội - núi Hàm Lợn. Anh không ngại việc con ngồi bệt, không ngại bẩn, để con tự mang vác đồ, không cõng hay dắt, con bị ngã, vấp đều tự đứng lên để tiếp tục. Anh chỉ hỗ trợ khi con trượt ngã hay gặp nguy hiểm.
Bé K. tự lập, ưa vận động nhưng do lần đầu, sức khỏe còn giới hạn, trang phục chưa hoàn toàn phù hợp, con còn gặp khó khăn ở đoạn đường từ đỉnh Hàm Lợn xuống chân núi. Tuy nhiên, anh ngỡ ngàng khi con gái 6 tuổi hoàn thành xuất sắc cung đường 14 km, lên cao 800 m từ chân núi và chỉ mếu máo, giận dỗi vài lần.
Sau chuyến trekking đầu tiên, sức khỏe bé K. rất tốt, thái độ tích cực hơn bởi được tham gia những trải nghiệm chưa từng có như trồng cây non, nhặt rác trong chuyến đi. Con còn có thêm nhiều bạn mới.
Vì thế, anh P.T. quyết định cho con trải nghiệm núi Hàm Lợn một lần nữa để tập duyệt cho những chuyến đi dài ngày tiếp theo. Quay lại Hàm Lợn lần thứ hai, bé K. tự giác hơn, không cần bố hỗ trợ nhiều như lần trước.
Con tự mang vác đồ cần thiết, biết bỏ lại những đồ yêu thích nhưng không có giá trị sử dụng trong chuyến đi. Lần này, chuyến trekking mất ít thời gian hơn.
Điều khiến anh ngạc nhiên nhất là trong 2 chuyến đi ấy, bé K. đã biết động viên, khuyên bạn đồng hành đi tiếp khi các bạn khóc, mè nheo, đòi cõng, đòi ăn trên đường. Con cũng đã biết hỏi thăm, mời nước các cô chú trong đoàn dù chỉ mới 6 tuổi.
Sau 2 lần thử “lửa” nhẹ để luyện tập các kỹ năng leo trèo, nhảy, thăng bằng, nhận biết mối nguy hiểm, lần thứ ba, anh P.T. quyết định cho con chinh phục Lảo Thẩn với độ cao 2.860 m. Đây được đánh giá là cung đường có độ khó trung bình, phù hợp với trẻ nhỏ.
Chuyến đi này, 2 bố con trải nghiệm trong 2 ngày, 3 đêm. Lần này, bé K. được ngủ lều, tắm suối mát, thấy nhện nước, nghe ve rừng kêu… cùng nhiều điều mới lạ khác.
K. rất hào hứng với chuyến đi. Cô bé thoăn thoắt theo sau người dẫn đường với không ít lần trượt dốc, “vồ ếch”, “dập mông” nhưng chưa một lần muốn quay về. Đoạn nào dốc, khó đi, K. được chú dẫn đường giúp, còn đường bằng, cô bé tự đi hết.
Bí quyết để thực hiện các chuyến đi
Trekking sẽ đem lại cho trẻ những lợi ích nhất định nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng đồng tình với việc cho con đi thám hiểm. Nhiều người cho rằng việc đem con lên núi là làm khổ con, bố mẹ vui nhưng con vất vả. Chưa kể, trẻ nhỏ phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro.
Chia sẻ về quan điểm này, anh P.T. nhận định lo lắng của cha mẹ là hoàn toàn chính xác bởi an toàn cho con là ưu tiên số một. Trekking là hoạt động mang đậm tính trải nghiệm, mới lạ cho cả cha mẹ lẫn trẻ em. Tuy nhiên, anh cho rằng người lớn không nên vì thế mà bỏ qua hoạt động thú vị này.
Để có một chuyến trekking an toàn, vui, đúng mục đích, con trẻ cần có sự làm quen, huấn luyện với bộ môn này. Với mỗi cung đường, bố mẹ nên tự đi trước để kiểm tra độ khó, đảm bảo an toàn cho con và lên kế hoạch cụ thể nếu tự đi.
“Gia đình nào thực sự quan tâm đến hoạt động này, coi nó như một hình thức rèn luyện cần có những bước đi nhỏ đầu tiên, bắt đầu bằng việc chọn các cung đường ngắn, dễ đi, chú ý xem dự báo thời tiết, chuẩn bị trang phục, đồ ăn uống nhẹ nhàng và đặc biệt là tâm lý của con”, anh P.T. chia sẻ kinh nghiệm.
Cùng quan điểm trên, anh Đắc Hưng - nhân viên tại một công ty du lịch - khẳng định an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu dù người tham gia là người lớn hay trẻ nhỏ. Với mỗi chuyến đi, cha mẹ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng bao gồm tìm hiểu về địa điểm trekking có phù hợp với con không.
Nếu đi tour, họ cần tìm hiểu các đơn vị uy tín bởi không ít người gặp rắc rối khi nhà cung cấp dịch vụ không thể đáp ứng khách hàng với nhiều lý do. Hiện nay, rất nhiều tour trekking có giá dao động 3-6 triệu/người với tour khó như núi Tây - Đông Bắc, các tour đơn giản như Hàm Lợn, Ba Vì, Cúc Phương rơi vào khoảng dưới 1,5 triệu đồng.
Các điều kiện về thời tiết, trang phục, thiết bị hỗ trợ cũng cần được chú ý. Nhưng quan trọng hơn hết là chuẩn bị tâm lý, sức khỏe cho con.
Về tâm lý, anh Hưng cho rằng trong những chuyến đi đầu tiên, bố mẹ cần phải quan sát thực tế xem các con có thích thú và mong muốn tham gia hoạt động này hay không. Người lớn không nên bắt ép con phải đi theo mong muốn của bố mẹ. Tâm lý con hứng thú và vững mới có thể tiếp tục các chuyến sau.
Về điều kiện sức khỏe, trẻ từ 5 tuổi đã có thể tham gia trekking. Cha mẹ khi muốn con tham gia trekking cần xem xét bé thường luyện tập thể dục không. Trước mỗi chuyến đi, họ cần khuyến khích con làm quen với các hoạt động thể lực.
Con có thể rèn luyện ngay tại nhà như chạy nhảy, đi bộ, leo cầu thang hoặc tham gia cắm trại, trekking nhẹ nhàng để làm quen, tạo hứng thú, tăng cường thể chất và nắm kỹ năng cơ bản. Thực tế, sau lần đầu trekking, một số trẻ sợ, không muốn đi tiếp bởi sự vội vàng đi những cung khó khi mới bắt đầu.
“Tôi không khuyến khích phụ huynh cho trẻ tham gia trekking chỉ vì ý thích nhất thời. Họ cần có sự chuẩn bị trước đó”, anh Hưng nhấn mạnh.