Ngày 22/3/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ban hành Văn bản số 1685/STNMT-ĐKTKĐĐ đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Tuy nhiên, ngày 26/4/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội lại ban hành Văn bản số 2869/STNMT-ĐKTKĐĐ về việc bãi bỏ Văn bản 1685/STNMT-ĐKTKĐĐ. Theo đó, cơ quan này đề nghị UBND các quận huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định.
Trên thực tế tại Hà Nội thời gian trước từng diễn ra tình trạng người dân tổ chức san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông sau đó chia tách thửa đất, phân lô bán nền dưới danh nghĩa dự án diễn ra tràn lan ở nhiều quận, huyện, thị xã đã vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng và làm nhiễu loạn thị trường.
Tuy nhiên, hơn 1 năm sau khi văn bản 1685 ban hành, nhiều môi giới bất động sản tại vùng ven Hà Nội nhận xét quy định này đã khiến thị trường vùng ven "khựng lại". Thực tế, qua thông tin từ Batdongsan.com.vn, cũng cho thấy tình hình giao dịch đất nền có sự trầm lắng kéo dài từ năm 2022 đến nay.
Trong đó, đất nền khu vực Hoài Đức, Ba Vì, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm quý đầu năm 2023 giá rao bán giảm từ 1% - 13% so quý 4/2022. Ngoài ra, mức độ quan tâm giảm từ 4% - 24% tùy khu vực. Đặc biệt giá đất nền giảm nhiều nhất ở huyện Thanh Trì là 13%, mức độ quan tâm giảm nhiều nhất ở huyện Gia Lâm là 24%.
Theo chuyên gia của Batdongsan.com.vn, sự trầm lắng ngoài nguyên nhân do nguồn vốn, lãi suất, nguồn cung, thì quyết định tại văn bản 1685 cũng gây ảnh hưởng phần nào.
Ông Lê Đình Hảo, Giám đốc Kinh doanh khu vực miền Bắc của Batdongsan.com.vn, đánh giá: Việc cho phép tách thửa trở lại sẽ là một “tia sáng nhỏ” cho thị trường đất nền Hà Nội. Nhưng để thị trường đất nền phát triển bền vững hơn thì cần trợ lực lớn hơn như đẩy mạnh dịch chuyển các trung tâm hành chính, khu công nghiệp, dự án, trường đại học ra ngoại thành Hà Nội; đầu tư quyết liệt hơn cho các khu đô thị vệ tinh phía Tây: Hòa Lạc, Xuân Mai và phía bắc Sông Hồng: Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh. Cùng với đó, thị trường cần các gói cho vay mua bất động sản với lãi suất phù hợp hơn.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, dù thị trường đang có một vài tín hiệu tích cực hơn so quý 1/2023 nhưng các cơn sốt đất sẽ không xảy ra trong năm nay. Tuy nhiên, xét về dài hạn, đất nền vẫn là loại hình đầu tư tiềm năng nếu nhà đầu tư biết lựa chọn những sản phẩm có giá trị sử dụng, cũng như khả năng khai thác tạo ra dòng tiền ổn định.
Thị trường vẫn xuất hiện điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa nhanh và có tiềm năng phát triển hạ tầng, khu công nghiệp, trung tâm hành chính hay đô thị mới.
Ví dụ như đất nền ở thành phố lớn, khu vực có tiện ích, kết nối hạ tầng đầy đủ, gần kề khu công nghiệp thì chắc chắn mặt bằng giá ổn định, có dư địa tăng trong trung hạn.