Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã thông qua danh sách gần 200 điểm cho thuê xe đạp công cộng bố trí tại 7 quận trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chốt danh sách gần 200 điểm trạm cho thuê xe đạp công cộng. Trước mắt, sẽ bố trí các điểm thuê xe tại 7 quận: Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy. Còn tại 2 quận Hà Đông và Hoàng Mai, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang thống nhất với các bên liên quan để bố trí các điểm còn lại.
Dự kiến mức giá cho thuê trong 30 phút là 5.000 đồng/xe đạp cơ và 10.000 đồng/xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng/xe đạp cơ và 120.000 đồng/xe đạp điện. Hệ thống vé có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, dự án thí điểm sử dụng 100% vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách các điểm bố trí xe được ưu tiên kết nối với các phương tiện công cộng khác như xe buýt, metro hay những điểm tập trung đông người như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại…
Nhìn rộng ra thế giới, mô hình cho thuê xe đạp khá phổ biến. Tại các quốc gia châu Âu, xe đạp cho thuê được vận hành bằng kết hợp với công nghệ. Người sử dụng có thể lựa chọn xe ở bất kì điểm đến và mở khoá bằng ứng dụng trên điện thoại và trả tiền thông qua tài khoản ngân hàng kết nối. Bên cạnh đó, sẽ có mức thuê theo tháng hoặc thuê dài hạn, phù hợp với giá tiền của người dân.
Điều quan trọng trong chính sách cho thuê ở các quốc gia này chính là phải có các địa điểm cho thuê xe bao phủ rộng khắp, tiện lợi cho người dân muốn đổi, trả xe,…
Người dân Hà Nội kỳ vọng việc ra đời loại hình dịch vụ này sẽ hỗ trợ các loại hình khác như tàu điện, xe buýt, đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô. Thế nhưng, mức giá cho thuê lại đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của người dân.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung nhà ở quận Hà Đông, hàng ngày phải đi làm ở quận Hoàn Kiếm cho biết: “Hiện nay, tôi đi làm từ nhà đến cơ quan bằng xe máy. Quá trình đi lại rất vất vả thường xuyên xảy ra tắc đường, khói bụi… Khi dịch vụ cho thuê xe này đi vào hoạt động sẽ rất thuận lợi cho quá trình tham gia giao thông của tôi. Khi đó, tôi sẽ kết hợp việc thuê xe đạp và di chuyển bằng phượng tiện đường sắt trên cao để đi làm. Tuy nhiên, tôi cảm thấy băn khoăn bởi mức giá cho thuê này là khá cao. Nếu tính một tuần tôi đi làm 5 ngày thì một tháng tôi phải bỏ ra khoảng gần 3 triệu để thuê xe đạp điện. Trong khi nếu đi xe máy để đi làm thì tiền xăng một tháng chỉ khoảng 1 triệu đồng. Tôi nghĩ đa số người dân đều ủng hộ mô hình này, nhưng giá cả thì tôi chắc là không”.
Đồng quan điểm với chị Dung, anh Nguyễn Văn Hòa ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy cho biết: “Nếu thỉnh thoảng thuê xe đạp để đi chơi thì mức giá trên sẽ không có vấn đề gì, nhưng nếu phải thuê để di chuyển thường xuyên thì sẽ là khá cao. Tính ra với chi phí đó chỉ vài tháng là chúng tôi có thể mua được một chiếc xe đạp điện mới”.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay trên địa bàn Thành phố Hà Nội, nhiều cá nhân cũng đang kinh doanh loại hình cho thuê xe đạp. Mức giá mà các cá nhân này cho thuê đối với xe đạp khoảng 30.000 – 50.000 đồng/xe/3 tiếng. Xe đạp điện thì rất ít cơ sở cho thuê. Chị Nguyễn Hải Minh một khách du lịch đến từ TP Cần Thơ chia sẻ: “Đối với khách du lịch như chúng tôi, việc được đạp xe ngắm phố phường Thủ đô là điều rất thú vị. Mức giá cho thuê xe đạp mà Sở Giao thông vận tải Hà Nội Hà Nội đưa ra là tương đối phù hợp và có thể chấp nhận được”.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia giao thông cho rằng việc đưa các điểm cho thuê xe đạp vào vận hành sẽ thu hút được đông đảo người dân tham gia giao thông trên các phương tiện công cộng. Khắc phục được một số bất cập trong quá trinh di chuyển bằng xe buýt, tàu điện. Tuy nhiên, cần có cơ chế về mức giá phù hợp cho những người thường xuyên sử dụng loại dịch vụ này; cùng với đó là thường xuyên thay thế, bảo dưỡng các phương tiện này, tránh trường hợp người thuê xe gặp trục trặc, xe hỏng hóc…