Trong khi các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài chuyển từ bán ròng sang mua ròng, đặc biệt trong những phiên giảm điểm sâu thì NĐT trong nước vẫn tỏ ra e dè.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SGI (SGI Capital) cho rằng, yếu tố chi phối trong hai năm qua của NĐT F0 đang dần đi đến giai đoạn kết thúc và thị trường có thể sẽ bắt đầu bước vào một chu kỳ mới, ở đó sự chi phối của dòng tiền dài hạn, dòng tiền của những NĐT tổ chức, vai trò của NĐT nước ngoài, cũng sẽ lại quay trở lại.
Ông Phúc chỉ ra, gần đây thanh khoản chung của thị trường đang từ mức khoảng hơn 1 tỷ USD giao dịch một ngày trên thị trường HoSE thì nay đã giảm xuống khoảng 11.000 tỷ đồng đến 12.000 tỷ đồng.
Giai đoạn trước, NĐT nước ngoài bán ròng hoặc mua ròng khoảng 1.000 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 3% giao dịch của thị trường. Nhưng hiện nay NĐT nước ngoài giao dịch khoảng 500 đến 1.000 tỷ đồng, chiếm đến 5% đến 10% giao dịch thị trường.
Trọng số đã thay đổi và tính ảnh hưởng, cũng như lan tỏa lên tâm lý chung của thị trường cũng sẽ lớn hơn. NĐT tổ chức, đặc biệt là NĐT nước ngoài thường rất chú trọng vào những cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 hoặc những cổ phiếu đầu ngành, có ảnh hưởng mạnh đến VN-Index, như vậy trong thời gian tới, vai trò của NĐT nước ngoài cũng sẽ tăng lên.
Dưới góc nhìn của mình, ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch CTCK Smart Invest (AAS) phân tích: Hơn hai năm trở lại đây quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) quy mô của thị trường đã chiếm đến 30% trọng số của thị trường cận biên MSCI của thế giới và đang đứng thứ nhất. Có nghĩa là quy mô của thị trường chúng ta được ví như là một võ sĩ hạng trung mà đang thi đấu ở hạng nhẹ.
Việc thị trường Việt Nam được đánh giá thuộc thị trường cận biên, khiến đầu tư của NĐT nước ngoài thấp, chủ yếu tác động về mặt tâm lý thị trường.
"Nhưng trong giai đoạn sụt giảm của thị trường, NĐT nước ngoài liên tục mua ròng tại những phiên giảm điểm, cũng sẽ làm cho tâm lý NĐT bớt hoang mang”, ông Tuấn nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông Lê Chí Phúc cho rằng thị trường vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc trở lại sau khi đã giảm khoảng 20% so với đỉnh vì vẫn còn rủi ro. Nhiều cổ phiếu giảm khoảng 50%,70% so với đỉnh là thật, nhưng so với giá trị thực vẫn ở mức khá cao vì trước đó đã bị đẩy lên 7 thậm chí 10 lần trong một năm qua.
Bên cạnh đó dòng tiền rẻ trong năm 2022 không còn và sẽ không có chỗ để cho những dòng tiền đầu cơ, dễ dãi, thay vào đó là sự lựa chọn cổ phiếu có chọn lọc.
Ông Trần Minh Tuấn cũng cho biết thị trường cũng không thể sụp đổ như nhiều NĐT lo ngại. Bởi thị trường chứng khoán trên thế giới đã tồn tại hơn 400 năm nay và thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã phát triển và tồn tại hơn 20 năm nay và trong quá trình đó sẽ có những giai đoạn thị trường thăng trầm.
Ông cũng chỉ ra chính những tâm lý fomo (là một hiệu ứng tâm lý mà những người mang nó thường sợ bỏ lỡ mất cơ hội) như vậy đẩy thị trường lên quá đà và giảm quá đà, khiến những cổ phiếu của các doanh nghiệp đủ lớn, đủ tốt, đủ tăng trưởng nhưng giá đang bị giảm quá đà.
Từ phân tích này ông Tuấn khuyến nghị NĐT bình tâm nhìn nhận lại những cổ phiếu, những doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng tốt để lựa chọn tham gia đầu tư và nên làm được hai điều tối thiểu. Đó là không quá lạc quan, không quá fomo để mua vào rất nhiều, đặc biệt là bằng tiền vay, ở vùng mà thị trường nóng và có định giá cao. Ngược lại cũng tránh hoảng loạn và bán tháo ở vùng mà định giá cổ phiếu về mức rẻ như hiện tại.
“Thống kê của chúng tôi, xét trong 5 năm trở lại đây chúng ta chỉ có chưa đến 5% thời gian mà thị trường nằm ở vùng định giá rẻ như hiện nay. Chúng ta đang có lợi thế hơn 95% thời gian còn lại trong thị trường. Tôi nghĩ rằng, thời điểm này nếu mọi người bán thì đều có một tâm lý rằng chắc là ngày mai mua được rẻ hơn, hoặc chắc là tuần sau thị trường còn giảm.
Nhưng với kinh nghiệm đầu tư mà chúng tôi có được cho thấy, chúng ta phải chấp nhận tài khoản mình sẽ giảm trong một số giai đoạn rất đặc biệt như thế này, thì chúng ta mới gặt hái được những thành quả của những giai đoạn mà thị trường bắt đầu bình thường trở lại và tăng trưởng dài hạn”, ông Phúc chia sẻ.
Cùng quan điểm lựa chọn cổ phiếu của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tăng trưởng ở mức định giá hợp lý và các yếu tố cơ bản cần phải được đặt lên hàng đầu, ông Trần Minh Tuấn khuyến nghị NĐT không thể giữ tâm lý đầu cơ và sử dụng đòn bẩy tài chính như giai đoạn trước, bởi trong một thị trường giảm điểm, không thể nào đầu cơ mà thắng lợi.