Nhiều người lao động ở Mỹ cho rằng những hành vi tiêu cực như nói xấu sau lưng, bợ đỡ, cướp công đồng nghiệp trở nên tồi tệ hơn trong môi trường làm việc từ xa.
Công sở là vườn ươm những thủ đoạn đấu đá và đây là hiện tượng đã có từ xa xưa. Nhưng ngay cả khi Covid-19 ập đến khiến người lao động phải làm việc tại nhà, những thói hư tật xấu ấy không mất đi mà dường như trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo khảo sát đối với 800 người lao động làm việc ở Mỹ, khoảng 50% cho biết những hiện tượng khiến họ khó chịu không có gì thay đổi trong thời gian giãn cách xã hội, làm việc từ xa do Covid-19. Trong khi đó, 25% cho biết những hành vi phản cảm còn trở nên tồi tệ hơn, theo Bloomberg.
Đấu đá chốn công sở
Theo phó giáo sư Dana Sumpter, chuyên gia về quản lý tại Đại học Pepperdine và là tác giả cuộc khảo sát, công việc trong xã hội hiện đại đã biến đổi rất nhiều, và vì thế văn hóa công sở cũng phát triển để thích ứng.
"Khi làm việc từ xa, người lao động khó có nhiều thời gian giao tiếp thực sự với người quản lý. Vì thế, họ có xu hướng nịnh nọt để nhận được sự quan tâm", bà Sumpter nói.
Hơn 30% người tham gia khảo sát cho biết lan truyền tin đồn và nịnh hót thái quá là những hành vi gây khó chịu phổ biến nhất mà họ chứng kiến. Ngoài ra, những hành vi chướng tai gai mắt khác như đổ lỗi, nói xấu sau lưng hay cướp công đồng nghiệp. Bắt nạt và phá hoại công việc của người khác cũng có trong danh sách.
Một nửa số người được hỏi cho biết cảm thấy áp lực khi đối mặt những hành vi nói trên, trong khi 25% cho biết đấu đá công sở là nguyên nhân khiến họ nghỉ việc.
Dù không thể biết chắc chắn việc chuyển sang làm việc từ xa kết hợp làm việc tại văn phòng ảnh hưởng thế nào tới hiện tượng đấu đá công sở trong dài hạn, rõ ràng Covid-19 đã cho thấy người lao động không nhất thiết phải có mặt tại văn phòng để trở thành một phần của những đấu đá này.
Bợ đỡ để được ưu ái là hành vi phổ biến đã có từ xa xưa trong lịch sử loài người. Trong môi trường làm việc trực tuyến, hành vi này thậm chí trở nên rõ ràng hơn khi người lao động có nhu cầu thu hút sự chú ý từ cấp trên, theo bà Sumpter.
"Khi một người bợ đỡ và hưởng lợi, những người khác sẽ nhìn vào và hiểu họ phải làm gì để vượt lên trên. Hành vi này có tính lây lan và khiến cả tập thể gánh chịu", bà Sumpter nhận xét.
Một số người lao động không chấp nhận luồn cúi. 2 trong 5 người được hỏi nói những đấu đá công sở khiến họ cân nhắc nghỉ việc và 25% thực sự làm như vậy.
Khảo sát cho thấy phụ nữ có xu hướng nghỉ việc nhiều hơn đàn ông bởi phụ nữ và các nhóm ít được đại diện hưởng lợi ít hơn từ đấu đá công sở. Điều này khá dễ hiểu bởi đây là những nhóm nắm ít quyền lực trong tập thể.
"Đây là vấn đề quyền lực. Khi nắm ít quyền lực hơn, chúng ta nhiều khả năng sẽ trở thành mục tiêu của các hành vi xấu", bà Sumpter nhận xét.
Cách để loại bỏ đấu đá công sở?
Dù có những tiêu cực không thể phủ nhận, không phải tất cả đều coi những đấu đá trong môi trường công sở là điều hoàn toàn xấu.
Việc lan truyền tin đồn có thể được lợi dụng như cách để bảo đảm tất cả người trong tập thể biết chuyện gì đang xảy ra phía sau hậu trường.
Trong khi đó, một số người coi bợ đỡ, nịnh hót là một hành vi xã hội, một phần của công việc hàng ngày nhằm tạo thuận lợi cho các tương tác giữa đồng nghiệp, giữa cấp dưới và cấp trên.
Nghiên cứu của giáo sư Sumpter là một trong các nghiên cứu về văn hóa tại môi trường công sở. Các nghiên cứu cho thấy công sở vốn dĩ đã là nơi cạnh tranh, vì thế việc sử dụng những thủ đoạn như thuyết phục, thao túng, đàm phán cũng quan trọng như trí thông minh, tham vọng phấn đấu hay tinh thần làm việc chăm chỉ.
Những người có khả năng cạnh tranh sẽ có xu hướng vươn lên mạnh hơn giữa tập thể, tuy nhiên cũng có rủi ro khi làm mất lòng đồng nghiệp hay làm tổn hại tới uy tín của doanh nghiệp.
Hơn 90% người được hỏi cho rằng việc cạnh tranh thái quá trong môi trường làm việc có thể gây ra những vấn đề về đạo đức, khiến môi trường làm việc trở nên độc hại, thậm chí dẫn tới rủi ro về pháp lý.
Bất chấp những mặt trái, hành vi đấu đá tại công sở sẽ luôn tồn tại và không biến mất cho tới khi cấp quản lý loại bỏ động lực của những hành vi này, đồng thời khen thưởng những hành động tích cực như hợp tác.
"Những người quản lý cần chủ động loại bỏ hành vi tiêu cực. Nhưng, tất cả chúng ta phải làm việc cùng nhau để khuyến khích những hành vi xã hội tốt đẹp", giáo sư Sumpter nói.