Trước đề nghị nghiên cứu thêm tính cấp bách, cấp thiết để sửa đổi luật, NHNN cho biết kết quả đánh giá của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương (APG) được công bố tại hội nghị toàn thể do FATF tổ chức hồi tháng 3 chỉ ra rằng cơ chế phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt của Việt Nam còn nhiều thiếu hụt. Việt Nam cũng đã bị áp dụng quy trình rà soát các nước có thiếu hụt nghiêm trọng của FATF.
Trong vòng một năm kể từ tháng 3/2022-3/2023, Việt Nam sẽ phải làm việc thường xuyên với APG/FATF để khắc phục. Nếu không thể hiện sự tiến bộ sau thời gian này, Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách các nước có thiếu hụt nghiêm trọng về phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt của FATF, hay còn gọi là Danh sách Xám.
Do đó, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố hay tài trợ phổ biến vũ khí hàng loạt.
Vấn đề quản lý tiền ảo trong Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được quan tâm. Ảnh: B.I.
Trong số hàng loạt ý kiến, nhóm nội dung liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo, tiền mã hoá, tiền kỹ thuật số được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng tiền ảo, tài sản ảo có thể dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu, cần cân nhắc điều chỉnh lĩnh vực này nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố. Thực tế cho thấy nhiều người dân đã và đang tham gia vào hoạt động của các sàn tiền ảo.
Việc làm rõ có thể tạo hành lang pháp lý kiểm soát những hành vi có thể lợi dụng thông qua rửa tiền để tài trợ khủng bố, chuyển đổi tiền thu được bằng các hoạt động bất hợp pháp thành tiền séc hoặc chuyển qua các tài khoản thông qua việc mua bán, trao đổi tiền ảo, nhất là những đối tượng có yếu tố nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu đưa quy định về tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền đồng nghĩa đã thừa nhận các loại hình này trong khi chưa có khuôn khổ pháp lý.
Theo NHNN, trong quá trình xây dựng luật, để đáp ứng khuyến nghị của APG và đánh giá của FATF tại Báo cáo đánh giá đa phương, đồng thời từ thực tiễn nhu cầu quản lý Nhà nước về phòng chống rửa tiền, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất bổ sung đối tượng báo cáo mới là tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và cho vay dựa trên nền tảng công nghệ…
Tuy nhiên, sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đánh giá tính khả thi trong điều kiện chưa có quy định pháp luật cho hoạt động này, đồng thời để đảm bảo quy định tại luật có tính bao quát được các hoạt động phát sinh trong tương lại, dự thảo luật đã được điều chỉnh theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo ngoài các hoạt động cụ thể được quy định tại luật.
Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Dự thảo luật quy định Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.