Ngày 24/10, bà Nguyễn Thị Bích Vân, chủ đại lý bán lẻ xăng dầu Năm Hung ở xã Đại Ngãi, huyện Long Phú (Sóc Trăng) vẫn mở cửa cây xăng gần ngã tư quốc lộ Nam Sông Hậu. Tuy nhiên, người phụ nữ này đã treo tấm biển “hết xăng” và chỉ bán số dầu sắp cạn bồn cho khách hàng thân thiết.
Đại lý đem cả xăng mẫu ra dùng
Theo bà Vân, nhiều năm qua cửa hàng thuộc đại lý phân phối của PTC-Petimex. Do nguồn cung có hạn và chi phí vận chuyển đội lên cao nếu nhập hàng nhỏ giọt, nên 3 tuần qua DNTN Năm Hung không có xăng để bán. Nhiều lần bà Vân được đại lý cung ứng chữa cháy 2.000-3.000 lít xăng A95 rồi ngưng nên xăng mẫu trong kho cũng được mang ra sử dụng cho xe máy của gia đình.
“Không có xăng, tôi phải nhờ xe ôm đi hơn 10 km ra Sóc Trăng mua xăng chai để chở cháu đi học. Kinh doanh xăng dầu 30 năm, đây là lần đầu tiên gia đình tôi gặp phải tình trạng thiếu xăng như thế này. Theo quy định, tôi vẫn mở cửa cây xăng dù hết hàng. Có một số khách hàng thân thiết chạy xe tải vận chuyển hàng hóa nên tôi nhập một ít dầu về bán. Doanh nghiệp gặp khó khăn, lỗ vốn từ tháng 11/2021 đến nay”, bà Vân nói.
Nhiều cây xăng ở miền Tây treo biển hết xăng. Ảnh: Việt Tường.
Tại xã Nhơn Mỹ của huyện Kế Sách (Sóc Trăng), đại diện đại lý bán lẻ xăng dầu A.K. cho biết đơn vị đã ngưng hoạt động hơn 2 tuần vì không còn vốn để nhập hàng. Phía cung ứng cho biết kho ở Trà Nóc (Cần Thơ) vẫn còn hàng nhưng DNTN A.K. không còn khả năng kinh doanh vì lỗ liên tục 9 tháng qua.
“Hoa hồng mỗi lít xăng dầu chỉ từ 50 đến 150 đồng. Mỗi tháng, cửa hàng của tôi có 2 nhân viên, tiền lương 10 triệu đồng và chi phí kế toán 3 triệu đồng. Số tiền này cộng thêm tiền điện, tiền nước, ăn uống cho nhân viên và một số hao hụt khiến chúng tôi lỗ nặng”, đại lý bán lẻ xăng dầu trên quốc lộ Nam Sông Hậu nói.
Cầu cứu Bộ Công Thương
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, những ngày gần đây nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không mua được hàng. Có thời điểm toàn tỉnh Sóc Trăng có 43-48/431 cửa hàng hết xăng dầu. Theo kết quả kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng thì các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu này đã đặt hàng với các thương nhân cung ứng nhưng chưa được cấp hàng, không có tình trạng găm hàng chờ nâng giá, trục lợi.
Tình trạng thiếu nguồn cung xăng dầu trong thời gian qua được Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho rằng bị ảnh hưởng bởi tình hình xăng dầu thế giới khiến giá xăng dầu biến động với biên độ lớn và nguồn cung không ổn định.
Các đầu mối kinh doanh xăng dầu thua lỗ do nhập hàng giá cao bán hàng giá thấp; cách tính giá xăng dầu cơ sở chưa phù hợp tình hình thực tế, chưa đảm bảo chi phí khiến các doanh nghiệp này hạn chế nhập hàng, chỉ bán hàng cho các đơn vị trong hệ thống của doanh nghiệp hoặc các đơn vị ký hợp đồng ổn định.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân cho biết doanh nghiệp liên tục lỗ vốn kinh doanh xăng dầu từ tháng 11/2021 đến nay. Ảnh: Việt Tường.
“Nguồn cung từ đầu mối hạn chế khiến các thương nhân phân phối không mua được hàng để cấp cho hệ thống bán lẻ, từ đó dẫn đến tình trạng hết hàng cục bộ. Cửa hàng bán lẻ không mua được hàng, chiết khấu thấp đôi khi bằng 0 đồng khiến họ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Việc lùi ngày điều hành giá xăng dầu khi thời gian điều hành giá trùng ngày nghỉ, lễ cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng hết hàng cục bộ”, lãnh đạo ngành công thương lý giải.
Nói với Zing, Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng cho biết tỉnh đã kiến nghị Bộ Công Thương cung cấp xăng dầu đầy đủ cho địa phương từ nay đến cuối năm, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán 2023.
Theo ông Chiêu, Sóc Trăng cần Trung ương cung ứng khoảng 75.000 m3 xăng dầu cho các cửa hàng trong hệ thống của Nam Sông Hậu, Cửu Long, Mêkông, Petrolimex, Tây Đô và 70 cửa hàng ngoài hệ thống của các thương nhân này.