Thưa ông, ông nhận định như thế nào về dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Ấn Độ vào Việt Nam trong thời gian qua?
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972, quan hệ Việt Nam – Ấn Độ ngày càng phát triển bền chặt. Đặc biệt, kể từ khi hai quốc gia thiết lập quan hệ đối tác toàn diện từ năm 2016, hợp tác đầu tư giữa hai nước dần có sự thay đổi tích cực khi nhiều nhà đầu tư Ấn Độ có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam.
Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, các nhà đầu tư Ấn Độ đã đầu tư vào Việt Nam 334 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD, đứng thứ 24/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam.
Mặc dù xếp thứ 24/139 nhưng tỷ trọng vốn đầu tư từ Ấn Độ vào Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,2% trong tổng số 420 tỷ USD mà các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào Việt Nam. Con số này là quá nhỏ bé so với tiềm lực kinh tế của Ấn Độ - nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới và đang được dự báo sẽ vươn lên vị trí thứ 3 thế giới và thứ 2 châu Á.
Tôi hy vọng, với nền tảng quan hệ hợp tác hữu nghị được thiết lập trong 50 năm qua và sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa chính quyền, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đầu tư từ Ấn Độ vào Việt Nam cũng như từ Việt Nam sang Ấn Độ sẽ có sự khởi sắc trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh hai nước nỗ lực phục hồi sau giai đoạn lao đao vì Covid-19.
Mới đây, một phái đoàn gần 30 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ (ACMA) đã tới Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực này, thưa ông?
Ấn Độ là quốc gia có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong khi Việt Nam đang có nhu cầu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Vì thế, cơ hội hợp tác đầu tư giữa hai bên là rất lớn.
Trong những năm qua, thu hút vốn FDI của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rõ nét cả về lượng và chất. Bất chấp Covid-19 và những đợt giãn cách xã hội kéo dài, vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2021 vẫn tăng hơn 9% đạt hơn 31 tỷ USD. Đáng chú ý, nhiều dự án lớn có hàm lượng công nghệ cao tiếp tục đổ vào Việt Nam trong giai đoạn này như Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD, Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD nhằm mở rộng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp dệt may có quy mô lớn của Tập đoàn Far Eastern…
Tuy vậy, theo đánh giá, Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong thu hút nguồn vốn FDI do ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.
Do vậy, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Ấn Độ có nhiều lợi thế về công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất linh kiện ô tô sẽ giúp Việt Nam dần nâng cao năng lực công nghệ, kỹ thuật và quản trị… để tiệm cận được với yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Điều này rất hữu ích cho Việt Nam trong thu hút vốn FDI hiệu quả hơn trong tương lai.
Đã có nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội về ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là sản xuất linh kiện ô tô. Theo ông đánh giá, khả năng hiện thực hóa của sự hợp tác lần này là như thế nào và đâu sẽ là điểm để kích hoạt, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư mới cho hai bên?
Đối với Việt Nam, Ấn Độ luôn là đối tác chiến lược về thương mại và đầu tư và vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác; trong đó lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật phục vụ sản xuất là một bộ phận quan trọng trong hợp tác song phương. Cả Việt Nam và Ấn Độ đều đang chú trọng đến nền tảng kỹ thuật, sản xuất và mục tiêu tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều chuỗi liên kết, cung ứng bị đứt gãy do dịch Covid-19, cả Ấn Độ và Việt Nam đều có nhu cầu tìm kiếm nhiều đối tác và thị trường mới.
Hiện nay, với môi trường kinh tế, chính trị ổn định, nguồn lao động trẻ, dồi dào với tay nghề cao, Việt Nam đang ngày càng chứng minh là một điểm đến an toàn và tin cậy dành cho nhà đầu tư nước nước ngoài.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh mở rộng chuỗi cung ứng trong lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, linh kiện ô tô…
Vì vậy, hai bên có rất nhiều cơ hội và tiềm năng để thúc đẩy hợp tác đầu tư trong tương lai. Song để kích hoạt những cơ hội này trở thành hiện thực, phải có sự nỗ lực từ cả hai phía.
Về phía Việt Nam, tôi cho rằng các cơ quan quản lý phải có sự hỗ trợ, tạo thuận lợi để nhà đầu tư Ấn Độ nhanh chóng tìm kiếm được dự án đầu tư thích hợp. Điều này sẽ góp phần từng bước hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, tham gia chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu.
Với vai trò là cơ quan xúc tiến đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có những giải pháp cụ thể nào để kết nối dòng vốn đầu tư từ Ấn Độ vào Việt Nam, thưa ông?
Thời gian tới, Việt Nam định hướng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có công nghệ cao, công nghệ nguồn, ưu tiên các dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số…, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị.
Vì vậy, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cũng như Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị quyết 58/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Quyết định 667/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ động thay đổi cách thức xúc tiến đầu tư hiệu quả hơn, tập trung hướng tới những đối tác chiến lược, nhiều tiềm năng, trong đó có nhà đầu tư đến từ Ấn Độ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thường xuyên tổ chức những cuộc gặp gỡ, trao đổi, kết nối với các nhà đầu tư Ấn Độ để có thể giới thiệu tới nhà đầu tư về môi trường đầu tư nói chung và địa bàn đầu tư nói riêng để giúp nhà đầu tư rút ngắn thời gian tìm hiểu và sớm đưa ra quyết định đầu tư.
Ngoài ra, trong bối cảnh lợi thế cạnh tranh truyền thống dần không còn phù hợp, buộc Việt Nam phải tìm kiếm lợi thế cạnh tranh mới thích ứng với biến động của thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thêm những hình thức xúc tiến đầu tư phù hợp cũng như có những đề xuất điều chỉnh chính sách thu hút FDI phù hợp, bám sát tình hình thực tế.