Ngày 18/4 tới đây, CTCP Đường Quảng Ngãi (mã QNS) sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 15% (1.500 đồng/cp). Với gần 357 triệu cổ phiếu đang lưu hành, QNS dự kiến sẽ chi hơn 535 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Thời gian thanh toán từ ngày 27/04/2023.
Trước đó, QNS đã 2 lần tạm ứng cổ tức với tổng tỷ lệ 15% bằng tiền, lần lượt vào tháng 9/2022 và 1/2023. Như vậy, cổ đông của QNS sẽ nhận được tổng mức cổ tức cho năm 2022 là 30% bằng tiền (3.000 đồng/cp).
Ngày 01/04 vừa qua, QNS đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2023, trong đó thông qua phương án phân phối lợi nhuận 2022 với tỷ lệ cổ tức 30%. Như vậy, công ty đã hoàn thành kế hoạch đề ra.
QNS là doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức đều đặn với tỷ lệ cao hàng năm. Kể từ khi lên sàn năm 2016, chưa năm nào doanh nghiệp này quên chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Những năm gần đây, con số thường xuyên dao động trong khoảng 25-30%.
Lãi đều đặn trên nghìn tỷ
Chính sách cổ tức được QNS duy trì đều đặn trên cơ sở tình hình kinh doanh tương đối ổn định. Năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận tổng doanh thu đạt kỷ lục 8.554 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2021 và vượt 7% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế thu về gần 1.287 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ và vượt 28% kế hoạch. Kể từ năm 2015, QNS đã có 8 năm liên tiếp lãi ròng trên nghìn tỷ.
Lãnh đạo QNS cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh năm qua của doanh nghiệp chịu tác động bởi giá nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng cao. Việc tăng tỷ giá, hạn chế nguồn cung làm tăng chi phí sản xuất cũng tác động doanh nghiệp. Bước sang năm 2023, QNS đánh giá tình hình kinh doanh còn không ít thách thức do giá cả các nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển gia tăng...
Trong năm nay, QNS đặt mục tiêu doanh thu 8.400 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 1.008 tỷ đồng, thấp hơn 22% so với thực hiện năm 2022. Nếu hoàn thành 100% mục tiêu đề ra, doanh nghiệp này sẽ có thêm một năm lãi nghìn tỷ tuy nhiên lợi nhuận sẽ rơi xuống mức thấp nhất của công ty từ năm 2014.
Dựa vào kết quả sản xuất kinh doanh 2023, QNS dự kiến sẽ triển khai phương án phát hành cổ phiếu ESOP tương ứng như sau:
Phương án 1, tỷ lệ phát hành bằng 1% số lượng cổ phiếu lưu hành, tương đương 3,57 triệu cổ phiếu, nếu tốc độ tăng trưởng tạo vốn (lợi nhuận sau thuế và khấu hao cơ bản) năm 2023 so với 2022 tăng từ 7,5% đến dưới 15%.
Phương án 2, tỷ lệ phát hành bằng 2% số lượng cổ phiếu lưu hành, tương đương 7,14 triệu cp, nếu tốc độ tăng trưởng tạo vốn năm 2023 so với 2022 tăng từ 15% đến dưới 20%.
Phương án 3, tỷ lệ phát hành bằng 3% số lượng cổ phiếu lưu hành, tương đương 10,71 triệu cp, nếu tốc độ tăng trưởng tạo vốn năm 2023 so với 2022 tăng từ 20% trở lên.
“Hái ra tiền” từ sữa đậu nành
QNS được biết đến là công ty mẹ của Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) – nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất Việt Nam với thương hiệu nổi tiếng Fami Canxi. Theo số liệu của Nielsen, năm 2022, Vinasoy tiếp tục duy trì và giữ vững vị thế dẫn đầu ngành hàng sữa đậu nành với thị phần là 87,8 % và đứng thứ 2 trong ngành hàng sữa uống liền với 17,6% thị phần.
Mảng sữa đậu nành của QNS được đầu tư với tổng công suất 390 triệu lít/năm. Doanh nghiệp hiện có 3 nhà máy đặt tại: Bắc Ninh (công suất 180 triệu lít/năm), Quảng Ngãi (công suất 120 triệu lít/năm) và Bình Dương (công suất 90 triệu lít/năm). Sản lượng sữa đậu nành tiêu thụ trong năm 2022 đạt 265 triệu lít giảm 2% so với năm 2021.
Sữa đậu nành là sản phẩm đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu của QNS năm 2022 khi đem về 4.305 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52%. Đây cũng là mảng có biên lãi gộp lớn nhất với 40,7% tương ứng lợi nhuận gộp đạt gần 1.752 tỷ đồng. Theo sau là các sản phẩm đường với doanh thu gần 1.800 tỷ đồng và biên lãi gộp 20,9%.
Mới đây, Vinasoy đã vướng phải “lùm xùm” không đáng có khi lô hàng sữa đậu nành Fami Canxi bị thu hồi tại thành phố Chiba (Nhật Bản). Ngay sau đó, Vinasoy đã gửi mẫu lưu đối chứng đến NIFC để kiểm định và kết quả cho thấy mẫu sữa đậu nành Fami Canxi không nhiễm vi khuẩn Coliforms.
“Từ kết quả kiểm định khách quan từ bên thứ 3, Vinasoy khẳng định sản phẩm sữa đậu nành Fami Canxi hoàn toàn đạt tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn chất lượng cho sức khỏe người tiêu dùng”, đại diện Vinasoy khẳng định. Cũng theo đơn vị này, sự cố lô hàng bị thu hồi ở thị trường Nhật Bản chỉ xảy ra đơn lẻ do tái nhiễm trong quá trình vận chuyển và lưu thông.