Tại diễn đàn “Triển vọng thị trường chứng khoán: Tâm điểm ngành thép và bất động sản” do VNDirect tổ chức, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cen Group nhìn nhận, bất động sản có sôi động hay không liên quan đến dòng tiền. Giai đoạn hiện tại là cuộc chơi của người mua bất động sản, người mua đang có nhiều lợi thế khi giá đang được chiết khấu.
Ông Vũ cũng thừa nhận: “Ở bất cứ giai đoạn nào, tôi chưa bao giờ bi quan với thị trường bất động sản”. Chủ tịch Cen Group cho rằng, thị trường bất động sản cứ “liu riu” lại tốt hơn là bùng nổ mạnh như giai đoạn trước 30/4 năm 2022.
Theo ông Vũ, phần lớn mọi người thường nói đến các phân khúc của dự án bất động sản như trung cấp, bình dân, nhà ở xã hội… nhưng lại không nhìn thấy được bất động sản giao dịch bên ngoài hiện nay nhiều hơn cả số lượng dự án.
Ông Vũ chỉ ra 2 loại hình đang có giao dịch sôi động. Đầu tiên là loại hình chung cư mini. “Chủ nhà có một khu đất 50m2 hoặc 100m2, lẽ ra người ta sẽ xây mỗi tầng 2 phòng ngủ thay vào đó họ xây mỗi tầng 4-5 phòng ngủ. Sau đó, chủ nhà cho các hộ gia đình thuê. Đặc biệt, chủ căn nhà đã có sổ đỏ, có thể cho thuê được luôn và lúc nào cũng “cháy hàng” vì không bị ảnh hưởng bởi vấn đề pháp lý”.
Tiếp đến là phân khúc căn hộ, ông Vũ chia sẻ: “Chúng tôi vừa mở bán một tòa nhà ở Long Biên, Hà Nội với giá 30-32 triệu đồng/m2, khoảng gần 3 tỷ đồng cho 1 căn nhưng chỉ trong vòng 20 ngày bán được 50 căn”.
Bàn về sự sôi động của thị trường địa ốc ở giai đoạn trước, ông Vũ cho rằng, bản chất thị trường khi đó xuất phát từ việc chủ đầu tư được quyền huy động vốn của khách hàng từ 70%- 95%. Trong khi đó, tại các nước khác, các doanh nghiệp không được phép huy động trước một đồng nào của khách hàng. Tuy nhiên, theo ông Vũ, luật pháp ở Việt Nam khác và Chính phủ mong muốn như vậy để hỗ trợ cho những doanh nghiệp còn yếu và nhỏ.
Chủ tịch Cen Group cũng cho hay, doanh nghiệp ở nước ngoài “không chữa cháy” như Việt Nam bằng cách làm xong móng, hoàn thiện từng phần tiến độ sau đó cho bán thoải mái. Chưa kể, ở Việt Nam cho huy động vốn, thậm chí chỉ cần đóng 5% ngân hàng vẫn giải ngân cho khách nên mới bị rối tung lên.
Lấy dẫn chứng này, ông Vũ cho rằng, để thúc đẩy thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện nay không chỉ là tháo gỡ về trái phiếu, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp mà vấn đề ở đây là pháp lý dự án được duyệt mới là mấu chốt, bởi nhiều dự án rất lâu năm không ai dám ký.
Cũng tại diễn đàn, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, dự báo thời điểm cuối năm 2023, thị trường bất động sản sẽ nhích nhẹ.
Ông Lực đưa ra 4 cơ sở cho dự báo này. Thứ nhất, theo ông Lực, về bài toán lãi suất, ngân hàng Trung ương sẽ tăng lãi suất hết quý 2/2023, sau thời điểm này thì sẽ tạm thời dừng lại. Trong trường hợp nền kinh tế của thế giới đi xuống thì các ngân hàng sẽ chấp nhận giảm xuống;
Thứ hai, trong năm 2022, những sự kiện vi phạm liên quan đến các doanh nghiệp lớn như FLC, Vạn Thịnh Phát... đã có tác động lớn đến thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung. Theo dự đoán của ông, từ giờ đến cuối năm 2023 các vụ việc này sẽ cơ bản được khoanh vùng và xử lý.
Thứ ba, những nội dung sửa đổi Luật trong 3 dự thảo Luật cơ bản sẽ được sửa đổi và thông qua trong tháng 10/2023
Ngoài ra, ông Lực cho rằng, nền kinh tế trong năm tới được dự đoán sẽ phục hồi tốt hơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay là 6,2-6,3% và năm tới sẽ là 6,5-6,7%. Đó là tín hiệu tốt cho thị trường địa ốc.