Nội dung chính:
- Chủ tịch Coteccons - công ty đối thủ tham gia cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Hòa Bình.
- Hòa Bình thay đổi một số chỉ tiêu về kết quả kinh doanh so với tờ trình trước đó theo hướng giảm lỗ năm 2022 và tăng chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023.
- Kế hoạch phát hành cố phiếu HBC với giá tối thiểu 12.000 đồng/cổ phiếu.
Sau một loạt biến cố, Hòa Bình là một trong những doanh nghiệp tổ chức ĐHĐCĐ muộn nhất thị trường chứng khoán. Cuộc họp có sự tham gia của ông Chủ tịch Coteccons ông Bolat Duisenov với tư cách khách mời.
Coteccons được cho là vừa tiếp quản một dự án xây dựng tại TP.HCM từ Hòa Bình khi công ty này gặp khó khăn. Chủ tịch Coteccons lại không thể hiện sự hào hứng vì đã giành được dự án từ tay đối thủ. Ông cho rằng đây chỉ là một trường hợp đơn lẻ và việc Coteccons tiếp nhận công việc là một hành động “chung tay hỗ trợ lẫn nhau”.
“Hai công ty đang thể hiện sự tôn trọng dành cho khách hàng và cho cả chính chúng ta. Đây là cách tiếp cận đúng đắn để sẵn sàng đồng hành, bảo vệ cho lợi ích chung của cả ngành xây dựng”, ông Bolat nói và kêu gọi người lao động Coteccons cần tập trung vào công việc được phân công, không lan truyền những thông tin dễ hiểu nhầm, công kích hoặc hả hê trước những khó khăn của đồng nghiệp.
Đến thời điểm tổ chức cuộc họp, công ty vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.
Tuy nhiên, theo Tờ trình của HĐQT, công ty lỗ gần 2.600 tỷ đồng theo kết quả sau kiểm toán. Khoản lỗ này tăng gần 1.500 tỷ đồng so với khoản lỗ trên báo cáo công ty tự lập trước đó. Theo báo cáo tự lập, khoản lỗ của Hòa Bình đến từ việc bán hàng dưới giá vốn và trích lập dự phòng phải thu khó đòi. Trong thông điệp Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải gửi cổ đông ngày hôm qua, 26/6, ông cho biết năm 2022 công ty đã phải dự phòng phải thu khó đòi hơn 2.000 tỷ đồng. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ khổng lồ của công ty năm vừa qua. Công ty kỳ vọng sẽ hoàn nhập được toàn bộ khoản dự phòng này trong tương lai.
Phát hành riêng lẻ tối đa 274 triệu cổ phiếu
Hòa Bình trình ĐHĐCĐ thường niên phương sán phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu với giá không dưới 12.000 đồng/cổ phiếu. Phiên giao dịch 26/6, cổ phiếu HBC đóng cửa với mức giá gần 9.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy mức giá tối thiểu phát hành thêm cổ phiếu HBC cao hơn giá hiện hành 33%.
Ngoài kế hoạch thu hồi nợ đề hoàn nhập dự phòng, ông Lê Viết Hải cho biết đến ngày 23/06/23 đã có 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng. Với mức giá tối thiểu 12.000 đồng/cổ phiếu, số cổ phiếu tương đương cho phương án này tối đa 54 triệu đơn vị.
Ngoài ra, HĐQT Hòa Bình cũng đã thông qua việc phát hành thêm 47 triệu cổ phiếu để thâu tóm dự án 128 An Dương Vương (P.10, Q.6 TP.HCM).
Số lượng cổ phiếu tổng cộng trong hai phương án nói trên là 101 triệu đơn vị. Như vậy, ngoài hai phương án nói trên, Hòa Bình sẽ phát hành tối đa 174 triệu cổ phiếu.
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Hòa Bình:
Doanh thu: 12.500 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế: 125 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh năm 2022:
Doanh thu: 14.149 tỷ đồng; Lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ: 2.572 tỷ đồng.
Biến động nhân sự
Bên cạnh kết quả kinh doanh lao dốc, 2022 cũng là năm chứng kiến xung đột trong đội ngũ lãnh đạo của Hòa Bình. Thành viên HĐQT Nguyễn Công Phú - cùng ba thành viên HĐQT khác (chiếm tổng số 50% số ghế HĐQT) đã công bố nhiều thông tin bất lợi, chưa được kiểm chứng về Hòa Bình và của ông Lê Viết Hải. Đến hôm qua, 26/6, toàn bộ bốn thành viên này đã có đơn từ nhiệm. Ông Lê Viết Hải với vai trò là cổ đông lớn nắm giữ trên 5% cổ phần sẽ đề cử các thành viên mới cho HĐQT trong cuộc họp ĐHĐCĐ hôm nay.