Nội dung chính:
- Ban lãnh đạo Thép Nam Kim cho rằng thời kỳ khó khăn nhất của ngành thép đã qua, dự kiến có lãi từ quý II/2023.
- Cuối quý I/2023, hàng tồn kho của Thép Nam Kim đã về mức giá thấp, đạt 6.000 tỷ đồng.
- Nhu cầu tại thị trường nội địa và xuất khẩu đều ở mức thấp.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra sáng 21/4, ông Hồ Minh Quang - Chủ tịch HĐQT Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) chia sẻ doanh thu quý I/2023 giảm do trúng dịp Tết Nguyên đán, hoạt động xuất khẩu sụt giảm.
Theo đó, lợi nhuận quý I “không được tốt lắm” với khoản lỗ trên dưới 50 tỷ đồng - nhỏ hơn đáng kể so với mức lỗ hàng trăm tỷ đồng trong 2 quý cuối năm ngoái.
Ông Quang cho rằng kết quả quý I của Nam Kim sẽ tương đối tốt so với những doanh nghiệp cùng ngành nhưng nhu cầu ngành thép chưa thể tích cực trong quý đầu năm nay.
Ban lãnh đạo công ty dự báo kết quả kinh doanh quý II/2023 sẽ sáng sủa hơn rất nhiều nhờ giá thép cán nóng đã trở về mức thấp. Do đó, 6 tháng đầu năm nay doanh nghiệp sẽ có lãi giúp cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim được cấp margin trở lại.
Cùng quan điểm với Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, lãnh đạo Thép Nam Kim cũng cho rằng thời kỳ khó khăn nhất của ngành thép đã đi qua với hi vọng thời gian tới sẽ khả quan hơn.
Tuy nhiên, lãnh đạo Thép Nam Kim cho rằng rất khó để xác định thị trường liệu có khởi sắc hay chưa vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự phục hồi của ngành bất động sản, nhu cầu thị trường,...
Giá tồn kho đã về mức thấp
Năm 2022, giá nguyên liệu đầu vào đi lên rất nhanh dẫn đến giá tồn kho liên tục tăng cao. Ông Hồ Minh Quang nhận định: “Công ty duy trì hoạt động sản xuất và có kết quả thua lỗ [năm 2022], mặc dù không như kỳ vọng nhưng vẫn chấp nhận được. Sau khoản lỗ đó, bình quân giá tồn kho đã về mức thấp. Với giá tồn kho như vậy, Nam Kim tự tin có thể đạt được kế hoạch đề ra.”
Doanh nghiệp đặt mục tiêu sản lượng năm 2023 tăng trong khi doanh thu giảm 13,5% trong năm 2023 dựa trên giá nguyên liệu đầu vào từ thượng nguồn (tôn, quặng, giá than,...) với cơ sở giá thép cán nóng dao động từ 600-700 USD.
Kết quả kinh doanh năm 2023 của doanh nghiệp này sẽ phụ thuộc nhiều vào giá nguyên liệu đầu vào.
Ông Võ Hoàng Vũ - Tổng Giám đốc Thép Nam Kim cho biết hiện nay hàng tồn kho của công ty khá cao so với sản lượng bán hàng bình quân của doanh nghiệp. Tại 31/3/2023, tổng tồn kho của Nam Kim khoảng 6.000 tỷ đồng, giảm 1.500 tỷ đồng so với cuối năm trước.
Ban lãnh đạo Nam Kim đặt mục tiêu đưa mức tồn kho về dưới sản lượng bán hàng 1 quý và giảm mạnh hàng tồn kho trong 6 tháng đầu năm nay. Đồng thời, Nam Kim không trích thêm dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong quý I/2023 vì dự phòng các quý trước vẫn còn.
Không trích lập quỹ, không chia cổ tức năm 2022
“Thật ra nói về cổ tức, tôi là người mong muốn nhất vì dù sao tôi cũng là cổ đông lớn” - Chủ tịch Hồ Minh Quang nói.
Ông Quang cho rằng dù lợi nhuận chưa phân phối còn gần 1.630 tỷ đồng nhưng nếu dùng để chia cổ tức hết thì nghĩa là “gạo trong nhà đem ra xài hết”, nhất là trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, diễn biến khó lường.
“Chia càng nhiều, rủi ro cổ đông phải gánh chịu càng lớn nên mong quý cổ đông thông cảm. Năm nay không chia nhưng khi thuận lợi chúng ta sẽ chia nhiều hơn” - vị Chủ tịch khẳng định.
Đại hội đồng cổ đông thông qua việc không trích lập các quỹ và không chi trả cổ tức do khoản lỗ sau thuế năm 2022 lên đến gần 125 tỷ đồng.
Nhu cầu nội địa và xuất khẩu đều suy yếu
Dù giá thép HRC tại thị trường Mỹ đang có xu hướng tăng cao, ban lãnh đạo Thép Nam Kim đánh giá nhu cầu thị trường Mỹ không tốt, các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này cũng kém khả quan.
Ông Võ Hoàng Vũ cho biết: “Hiện nay, tôn mạ, thép qua Mỹ phải chịu 25% thuế, khoảng 250-300 USD bù cho chênh lệch thuế. Cước vận tải đi Mỹ cũng rất cao, gần như không giảm so với 2021, trên dưới 150 USD. Để bù đắp chênh lệch thuế và cước vận tải cần đến 400-500 USD.”
Thị trường xuất khẩu của Nam Kim lên đến hơn 60 quốc gia, tập trung chủ yếu châu Âu, Úc, Mỹ và các nước châu Á. Trong đó, châu Âu và Úc là hai thị trường có giá trị đơn hàng xuất khẩu tốt nhất, sau đó mới tới Mỹ.
Hiện nay, tồn kho đơn hàng xuất khẩu khá tốt - trên 2 tháng, giá bán tương đối tốt so với giá hàng tồn kho - ông Vũ chia sẻ. Tuy nhiên, nhu cầu tại thị trường quốc tế và trong nước đều yếu.
Thị trường nội địa gần như không có sự tăng trưởng trong 3 năm qua. Từ năm 2020 trở về trước, sản lượng bán hàng tại thị trường nội địa và xuất khẩu của Thép Nam Kim khá cân bằng, đôi khi nội địa có phần nhỉnh hơn. Nhưng gần đây, doanh nghiệp tăng trưởng chủ yếu nhờ vào thị trường xuất khẩu nhưng tốc độ đầu tư và cạnh tranh của thị trường trong nước vẫn rất lớn.
Về việc Trung Quốc mở cửa trở lại, Tổng Giám đốc Thép Nam Kim cho rằng Trung Quốc tăng trưởng tốt là tin vui cho ngành thép toàn cầu nhưng quốc gia này chưa phải là thị trường dẫn dắt giá thép cán nóng ở thời điểm hiện nay.