Ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang tập trung tháo gỡ thủ tục đất đai, đầu tư của các dự án để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng cho cư dân.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, TP.HCM còn khoảng 50.000 căn hộ bị treo sổ hồng.
Trước tình trạng lượng căn hộ chưa được cấp giấy chứng nhận hiện vẫn còn lớn, UBND TP.HCM đang có những động thái quyết liệt giúp sổ hồng nhanh chóng đến tay người dân.
Sở Tài nguyên Môi trường đặt mục tiêu từ nay đến năm 2023 sẽ cấp 37.421 giấy chứng nhận căn hộ cho người mua nhà tại các dự án.
Hàng chục nghìn cư dân sắp được cấp sổ hồng
Trao đổi với Zing, ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang tập trung tháo gỡ thủ tục đất đai, đầu tư của các dự án để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng cho người sở hữu căn hộ chung cư.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM thông tin Sở Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo gửi UBND thành phố về tiến độ cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà trong dự án phát triển nhà ở trên địa bàn đến tháng 5.
Theo đó, từ tháng 10 đến tháng 12/2021, đã có 3.249 căn nhà được cấp giấy chứng nhận. Mục tiêu cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà dự án trong năm 2022 là 20.000 căn, phấn đấu cấp thêm 3.000 căn.
Từ nay đến năm 2023, Sở TN&MT TP.HCM dự kiến cấp 37.421 giấy chứng nhận nhà ở
Trong 5 tháng đầu năm 2022, đã có 10.454 căn hộ được cấp giấy chứng nhận và 5.481 trường hợp đang chờ người mua nhà thực hiện nghĩa vụ tài chính (thông báo lệ phí trước bạ) tại chi cục thuế quận, huyện và TP Thủ Đức.
Về giải pháp, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo thành phố nhiều giải pháp. Theo đó, cơ quan này có văn bản đề nghị các chi cục thuế quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp xác định nghĩa vụ tài chính của người mua nhà.
Đồng thời, Sở đề nghị các chủ đầu tư dự án và đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết vướng mắc trong việc này, hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đặt mục tiêu đến 28/2/2023 tập trung thực hiện cấp giấy chứng nhận cho 37.421 căn hộ đủ điều kiện.
Từ 1/3/2023 đến 31/12/2023 tiếp tục cấp giấy chứng nhận đối với các dự án có vướng mắc đã được tháo gỡ và các dự án có có văn bản thẩm định mới.
Mòn mỏi chờ tháo gỡ vướng mắc
Trước đó, từ tháng 3 đến tháng 5, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã 2 lần gửi kiến nghị đến UBND TP.HCM về 102 dự án nhà ở của 86 doanh nghiệp bị ách tắc hồ sơ.
Vào giữa tháng 3, HoREA gửi thông tin kiến nghị của 57 doanh nghiệp là chủ đầu tư của 64 dự án phân bổ khắp khu Đông, Nam và Tây TP.HCM bị "treo" pháp lý. Trong số đó, có nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản như: Novaland, Nam Long, Phú Long, Quốc Cường Gia Lai, Him Lam...
HoREA phân tích có 3 nhóm cần được thành phố đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ ách tắc trong số các dự án này.
Nhóm thứ nhất là các dự án nhà ở xã hội, được xếp ở mức cần giải quyết hồ sơ bức thiết nhất. Danh sách này khá dài, có thể kể đến các dự án nhà ở xã hội bán lẫn cho thuê của các công ty: Lê Thành, Nam Long, Đầu tư Thủ Thiêm, Thiên Phát, Phú Cường, Vạn Thái, Saigonres...
Chỉ riêng các dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên, Lê Thành - Tân Tạo 2, Nam Lý, Khu chế xuất Linh Trung 2 nếu được các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức, tháo gỡ các vướng mắc thì có thể khởi công xây dựng để có thêm 5.209 căn hộ trong năm 2024-2025.
Nhóm thứ hai là các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không bị rà soát pháp lý. Hiện nay, ước tính còn khoảng hơn 20.000 căn hộ dự án nhà chung cư trên địa bàn thành phố chưa được cấp sổ hồng thuộc nhóm này.
Đây là nhóm dự án không vướng quy định kiểm tra, thanh tra, điều tra. Hiệp hội kiến nghị UBND TP.HCM cùng các sở ngành giải quyết dứt điểm các thủ tục chấp thuận đầu tư, tính tiền sử dụng đất, phê duyệt quy hoạch 1/500... Trong đó, cần đẩy nhanh thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Nhóm thứ ba là các dự án nhà ở đang thuộc diện bị rà soát, thanh kiểm tra, nhưng chưa có kết luận cuối cùng. Nhiều trường hợp các dự án này đã được chấp thuận đầu tư, hoặc triển khai thực hiện trong nhiều năm trước đây, hay đã hoàn thành đầu tư xây dựng và người mua nhà đã cư ngụ ổn định, thành phố cần xử lý theo hướng ưu tiên quyền lợi của người dân.
Trách nhiệm của nhiều sở, ngành
Sau kiến nghị của HoREA, UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp ngày 21/5 với các sở, ngành và địa phương. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát các dự án để cùng bàn bạc phương án giải quyết.
Sở Xây dựng TP.HCM rà soát và phân loại 64 dự án thành nhiều nhóm vướng mắc.
Có 13 dự án vướng mắc về quy hoạch và thủ tục liên quan đất đai, 18 dự án có vướng mắc về tiền sử dụng đất, 8 dự án về nhà ở xã hội, 20 dự án liên quan đến thủ tục đầu tư và xây dựng dự án.
Các sở, ngành và địa phương phải chủ động làm việc với từng chủ đầu tư để làm rõ và giải quyết vướng mắc liên quan đến đất đai.
Sở Xây dựng TP.HCM
Sở Xây dựng cho rằng các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và UBND các quận huyện có trách nhiệm khi để các dự án vướng mắc kéo dài.
Nhiều nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị này phải chịu trách nhiệm 42 dự án liên quan đến cấp giấy chứng nhận cho người dân, tính tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp...
Sở Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến vướng mắc của 13 dự án, Sở Xây dựng 10 dự án, trách nhiệm của Sở Quy hoạch và Kiến trúc có liên quan trong 4 dự án về nội dung điều chỉnh quy hoạch,...
Để sớm tháo gỡ các vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành và địa phương có liên quan. Các sở, ngành và địa phương phải chủ động làm việc với từng chủ đầu tư để làm rõ và giải quyết nội dung vướng mắc.
Áp dụng hệ số K để tính tiền sử dụng đất
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng nguyên nhân khiến việc cấp sổ hồng tại các chung cư bị chậm là do vướng mắc trong việc xác định tiền sử dụng đất.
Vừa qua, Hội đồng thẩm định giá đất đã có đề xuất với UBND TP.HCM phương thức tính tiền sử dụng đất áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K).
HoREA cũng kiến nghị Chính phủ giao toàn quyền cho cấp tỉnh ban hành bảng giá đất phù hợp với điều kiện của địa phương và hệ số K.