Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank. Ảnh: CTG.
Đây là thông tin được ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank chia sẻ tối 17/6. Cụ thể, nói về quá trình chuyển đổi số của ngân hàng, ông Bình cho biết năm 2023 VietinBank đặt ra chiến lược chuyển đổi số, đến năm nay ngân hàng đặt mục tiêu triển khai số với chiến lược "45 + 1 sáng kiến", trong đó sáng kiến "+1" là triển khai hoạt động bán vàng.
Sắp triển khai bán vàng vật chất với đơn vị nhỏ nhất
"Hiện VietinBank đang đấu thầu giải pháp công nghệ mua bán vàng theo đơn vị nhỏ nhất có thể. Với dịch vụ này, mua vàng sẽ không còn là 77 triệu đồng/lượng nữa mà có thể mua vàng từ 7.000 đồng/đơn vị vàng", vị Chủ tịch ngân hàng chia sẻ.
Ngoài ra, ông Bình cũng nhấn mạnh vàng được bán ra là vàng vật chất chứ không phải vàng số hay vàng tài khoản. Ông cho biết nghiệp vụ ngân hàng hiện nay rất khó để thực hiện mua bán vàng với đơn vị nhỏ như vậy, tuy nhiên VietinBank đang nghiên cứu và dự kiến triển khai trong thời gian tới.
"Việc triển khai dịch vụ này cũng kỳ vọng góp phần ổn định thị trường vàng trong nước", Chủ tịch Trần Minh Bình nhấn mạnh.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh, ông Trần Minh Bình cho biết đến nay, Ngân hàng Công Thương đã ghi nhận những kết quả kinh doanh rất tích cực, nằm trong lộ trình các chỉ tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức để đạt được lộ trình đó.
Đến nay, tổng tài sản ngân hàng đã tăng 5,9%, đạt trên 2,15 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt trên 1,54 triệu tỷ, tăng khoảng 5% so với đầu năm. Dự kiến đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 5,5-6%.
"VietinBank vẫn tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về tăng trưởng tín dụng. Năm 2023, VietinBank là ngân hàng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ nhất và từ đầu năm 2024 đến nay luôn duy trì mức tăng trưởng tín dụng gấp đôi mức tăng toàn ngành", ông Bình nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo VietinBank cũng nhấn mạnh mức tăng trưởng tín dụng kể trên được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.
Hiện tỷ lệ dư nợ tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên của VietinBank chiếm khoảng 40-45% tổng dư nợ toàn ngân hàng.
Cùng với tăng trưởng tín dụng, sếp VietinBank cũng cho biết vẫn kiểm soát tốt nợ xấu. Hiện tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng chỉ vào khoảng 1,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
"Các ngân hàng phải lo về vốn"
Về hoạt động kinh doanh năm nay, Chủ tịch VietinBank nhấn mạnh 2024 có một đặc thù rất khác năm 2023 và sẽ tác động đến hiệu quả kinh doanh của toàn hệ thống ngân hàng là chi phí huy động vốn tăng rất mạnh.
"Năm ngoái các ngân hàng không phải lo về vốn thì năm nay phải lo. Trong đó, nguồn vốn đầu vào chậm hơn, chi phí vốn cao hơn, thể hiện ở lãi suất cho vay giữa các ngân hàng tăng rất nhanh", ông nói.
Trong khi đó, VietinBank vẫn đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là cung cấp nguồn vốn rẻ nhất để phục hồi cho các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
"Đầu ra thì không tăng được mà chi phí vốn đầu vào thì tăng mạnh, đây là vấn đề rất lớn không chỉ của riêng VietinBank mà còn là của tất cả ngân hàng khác", vị Chủ tịch nhấn mạnh.
Trong bối cảnh này, để giữ vững và hoàn thành các mục tiêu kinh doanh đã đề ra, ông Bình cho biết ngân hàng đã và đang kiểm soát tốt chi phí hoạt động. Trong đó, chi phí hoạt động quý II năm nay dự kiến còn thấp hơn quý II, thể hiện ở tỷ lệ CIR (chi phí/thu nhập) quý II chỉ khoảng 23%, trong khi quý I là 25%.
"Với quy mô của VietinBank, chỉ 1% trong số này đã là con số rất lớn. Việc giảm tỷ lệ CIR thể hiện nỗ lực lớn của ngân hàng trong việc có thể tự kiểm soát chi phí hoạt động", ông nhấn mạnh.