Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đưa ra hai phương án để lấy ý kiến các bộ, ngành về đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023 kéo dài 7 ngày hoặc 9 ngày.
Theo đó, về phương án nghỉ 7 ngày, công chức, viên chức sẽ nghỉ 2 ngày trước Tết và 3 ngày sau Tết, từ ngày 20/1/2023 Dương lịch đến hết ngày 26/1/2023 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão).
Còn phương án nghỉ 9 ngày thì người lao động nghỉ 1 ngày trước Tết và 4 ngày sau Tết, từ ngày 21/1/2023 Dương lịch đến hết ngày 29/1/2023 Dương lịch (tức ngày 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão).
Trong hai phương án, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất chọn nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày, bởi cho rằng phương án này đảm bảo tổng số ngày nghỉ liên tục không quá dài và hài hòa thời gian nghỉ trước và sau Tết.
Sau khi đưa ra lấy ý kiến, các phương án nghỉ Tết của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã nhận được nhiều ý kiến góp ý khác nhau, thậm chí có đơn vị còn đưa ra phương án thứ 3.
Trong khi, đa số các bộ, ngành như: Nội Vụ, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... chọn phương án nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày liên tục như đề xuất của của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì Bộ Tài chính lại lựa chọn phương án 2: “Nghỉ 5 ngày theo quy định, trong đó nghỉ 1 ngày trước Tết và 4 ngày sau Tết”.
Công chức, viên chức nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023 từ ngày 21/1/2023 Dương lịch đến hết Chủ nhật ngày 29/1/2023 Dương lịch (tức ngày 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão). Với phương án này, người lao động sẽ được nghỉ tổng cộng 9 ngày (bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Âm lịch và 2 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hàng tuần theo quy định tại Bộ Luật Lao động và 2 ngày nghỉ hàng tuần).
Cũng góp ý về đề xuất nghỉ Tết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại đưa ra phương án khác hẳn là nghỉ 8 ngày, từ ngày 19/1/2023 Dương lịch đến hết ngày 26/1/2023 Dương lịch (tức từ ngày 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão).
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, việc tổ chức công đoàn đề xuất nghỉ 8 ngày một mặt để đáp ứng mong muốn của công nhân lao động là được nghỉ Tết sớm, song cũng là chia sẻ với Chính phủ, doanh nghiệp trong bối cảnh đang trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội - cơ quan tham mưu lịch nghỉ Tết của Bộ) cho biết, sau thời gian lấy ý kiến, đến nay nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan đã gửi góp ý về đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán về Bộ. Hiện chỉ chờ một vài đơn vị nữa sẽ hoàn tất việc lấy ý kiến.
Theo ông Thắng, qua quá trình tổng hợp các góp ý, cơ bản các bộ, ngành đều chọn phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2023 là 7 ngày. Riêng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án khác là nghỉ 8 ngày, bắt đầu từ ngày 28 Tết.
Lý giải về việc vì sao không quy định "cứng" ngày nghỉ Tết Nguyên đán, ông Thắng cho biết, quy định của pháp luật cho phép nghỉ Tết 5 ngày, tuy nhiên, mỗi năm Tết rơi vào những ngày khác nhau, có khi sẽ gần với ngày cuối tuần nên cần hoán đổi để có thêm ngày nghỉ cho người lao động.
Về ý kiến người lao động mong muốn được nghỉ trước Tết dài ngày hơn, Cục An toàn lao động cho rằng cần nghiên cứu, đề xuất phương án vừa phù hợp cho người lao động và người sử dụng lao động.
Theo lãnh đạo Cục An toàn lao động, dựa trên các góp ý về đề xuất lịch nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023 của các bộ, ngành, đơn vị này sẽ tổng hợp ý kiến để cân nhắc lựa chọn phương án nghỉ và trình Chính phủ xem xét.