Trục hướng tâm Hồ Tây - Ba Vì (xđường màu xanh) dự kiến đi từ Văn Cao đến Vành đai 4 có chiều dài khoảng 14km. (ảnh: Quyhoach.hanoi.vn).
Mới đây, cử tri quận Bắc Từ Liêm đã có nội dung kiến nghị tới UBND thành phố Hà Nội đề nghị trả lời về lộ trình thực hiện trục đường Hồ Tây - Ba Vì cũng như thời gian hoàn thành dự kiến của tuyến đường theo quy hoạch.
Theo đó, trong văn bản trả lời cử tri, UBND thành phố Hà Nội cho biết Hiện nay, Thành phố đang tập trung nguồn lực triển khai đầu tư các dự án có tính chất liên vùng như vành đai 4, vành đai 3,5... là các dự án có tính cấp bách giảm ùn tắc giao thông.
Được quy hoạch từ hơn 1 thập kỷ trước
Theo UBND thành phố Hà Nội, trục đường Hồ Tây - Ba Vì được xác định theo quy hoạch với chiều dài khoảng 39,21 km với mặt cắt ngang trung bình B-50m và là tuyến đường quan trọng của Thành phố.
Ý tưởng về trục đường Hồ Tây-Ba Vì bắt đầu hình thành từ hơn 1 thập kỷ trước với quy hoạch sẽ đi qua đô thị vệ tinh Hòa Lạc, đây là trục đường được kỳ vọng khi hình thành sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, tạo chuỗi đô thị xanh, hiện đại dọc 2 bên tuyến đường.
Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Xây dựng, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 định hướng quy hoạch Trục Hồ Tây - Ba Vì là tuyến đường giao thông (đối ngoại, hướng tâm) gắn kết đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh Hòa Lạc (đô thị cửa ngõ phía Tây Hà Nội).
Tại quy hoạch giao thông vận tải thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 xác định Trục Hồ Tây - Ba Vì trong mạng lưới đường đô thị và ngoài đô thị.
Theo đó, cụ thể hóa Quy hoạch chung, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lập, phê duyệt các quy hoạch phân khu đô thị (H2-1, GS), quy hoạch chi tiết khu vực liên quan làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư xây dựng.
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị và pháp luật liên quan, việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch thuộc trách nhiệm của UBND các cấp. Tại Điều 2 Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội xây dựng cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch theo tiến độ và trình tự ưu tiên; chỉ đạo lập kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý chặt chẽ các quỹ đất dự kiến để phát triển các công trình, các khu chức năng quan trọng của đô thị theo đúng quy hoạch. Bộ Xây dựng kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch chung được duyệt theo quy định chức năng, nhiệm vụ.
Dự án tuyến đường trục Hồ Tây - Ba Vì nằm trong danh mục công trình trọng điểm ưu tiên triển khai của Thủ đô Hà Nội giai đoạn năm 2016-2020 tuy nhiên đến nay, theo thông tin trả lời kiến nghị cử tri của UBND thành phố Hà Nội vừa qua có thể thấy dự án sẽ còn tiếp tục “nằm trên giấy” trong dài hạn, ít nhất là đến năm 2026, thời điểm dự kiến hoàn thành tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô.
Cuộc sống người dân “treo” cùng quy hoạch
Theo quy hoạch được duyệt, Trục hướng tâm Hồ Tây - Ba Vì từ Văn Cao đến Vành đai 4 có chiều dài khoảng 14km đi qua địa bàn quận Bắc Từ Liêm, đoạn đường dự án được xác định trên cơ sở kéo dài đường Hoàng Quốc Việt từ Vành đai 3 đến Quốc lộ 21 (khoảng 3,26 km).
Tuy nhiên, theo người dân sinh sống trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, quy hoạch dự án Hồ Tây - Ba Vì xuyên qua nhiều khu dự án tái định cư, đặc biệt là khu tập thể Học viện Tài chính đã sinh sống ổn định hơn 20 năm; dự án cũng xóa sổ Học viện Tư pháp vừa xây dựng, trường THPT Phú Diễn, trường Trung cấp in Hà Nội và nhiều công trình trọng điểm khác khiến lãng phí tiền của của nhà nước, bức xúc trong dư luận.
Quy hoạch trục Hồ Tây - Ba Vì đi qua giữa khu tái định cư của quận Bắc Từ Liêm
Đáng chú ý, tuyến Hồ Tây - Ba Vì đi qua 3 khu tái định cư 8,5ha, 2,1ha và 2,3ha đều là những hộ gia đình đã bị thu hồi đất, phải di dời để phục vụ công tác GPMB thực hiện triển khai các dự án khác trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Do đó, những người dân tại khu vực này đã thực hiện tái định cư, nếu dự án trục Hồ Tây – Bà Vì triển khai theo quy hoạch hiện hành sẽ lại phải tái định cư lần 2.
Theo đó, từ khi quy hoạch được công bố, người dân đã nhiều lần kiến nghị UBND thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng xem xét hủy bỏ dự án đầu tư xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì hoặc điều chỉnh quy hoạch để tránh khu dân cư, đi vào khu đất nông nghiệp, đất trống của các cơ quan tránh gây lãng phí tiền của nhà nước đồng thời tránh gây hoang mang, xáo trộn trong nhân dân.
Vào năm 2020, trả lời cử tri về vấn đề trên (tại Công văn 4368/BXD-QHKT), Bộ Xây dựng cho biết quá trình triển khai thực hiện theo quy hoạch có vấn đề như cử tri phản ánh: Dự án trục Hồ Tây - Ba Vì đi qua giữa khu tái định cư của quận Bắc Từ Liêm đã giao cho các hộ dân từ năm 2010, trước khi Quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc triển khai dự án trên xảy ra tình trạng dự án chồng dự án, ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân.
Về việc điều chỉnh quy hoạch như kiến nghị của cử tri, Bộ Xây dựng cho rằng, cần phải trên cơ sở rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện điều chỉnh quy hoạch và các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị. Đối với các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết việc xem xét, quyết định thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội.
Bình luận xung quanh câu chuyện điều chỉnh quy hoạch tuyến trục Hồ Tây – Bà Vì, Tiến sĩ – Kiến trục sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng Trục Hồ Tây - Ba Vì đã được xác định năm 2008 và thể chế hóa trong quy hoạch năm 2011. Đến năm 2016 được cụ thể quy hoạch trong quy hoạch giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và xác định đây là một trục rất quan trọng.