Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì tín hiệu khởi sắc kể từ cuối năm ngoái đến nay. Từ đầu năm, chỉ số chính VN-Index chưa từng đóng cửa ở mức dưới tham chiếu và đã tăng hơn 30 điểm.
Trong phiên 8/1, dòng tiền tiến vào thị trường với tâm thế cởi mở, đặc biệt chảy mạnh vào các nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn như bất động sản hay ngân hàng nhờ những thông tin tích cực thời gian gần đây.
Kỳ vọng kết quả kinh doanh trong quý cuối cùng của năm 2023 hồi phục mạnh cũng giúp một số doanh nghiệp sản xuất nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư.
Kết phiên, VN-Index tăng 5,51 điểm (+0,48%) và xuyên thủng kháng cự 1.160 điểm, mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng trở lại đây. HNX-Index tăng 0,57 điểm (+0,24%) lên 233,33 điểm trong khi UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,16%) xuống 87,79 điểm. Hoạt động giao dịch sôi nổi giúp thanh khoản trên cả 3 sàn đạt 21.600 tỷ đồng.
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 ghi nhận 16 mã tăng, 13 mã giảm và duy nhất mã BVH của Bảo Việt giữ tham chiếu. Ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường hôm nay với những BID, VCB, TCB, CTG, MBB.
Đáng chú ý, cổ phiếu BID chứng kiến biên độ tăng lên đến 4,2%, cao nhất rổ VN30. Việc nâng lên ngưỡng 46.400 đồng giúp cổ phiếu BID tiếp tục thiết lập kỷ lục giá mới.
Chiều ngược lại, một số mã như MSN, VNM, GVR, MWG, GAS diễn biến khá tiêu cực khi bước vào phiên chiều, tạo áp lực đè nặng lên chỉ số.
Cổ phiếu bất động sản có phiên giao dịch thuận lợi khi lượng mã tăng áp đảo. Diễn biến này phần nào được thúc đẩy nhờ thông tin chính quyền TP.HCM rục rịch khởi động lại hoạt động đấu giá đất tại Thủ Thiêm vào cuối tuần trước.
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM, một trong những “ông trùm” sở hữu quỹ đất khổng lồ tại Thủ Thiêm, nhanh chóng được hưởng lợi khi chứng kiến cổ phiếu tăng trần ngay từ sớm. Đến hết phiên, lượng dư mua vẫn còn lên đến 6,9 triệu cổ phiếu.
Mã NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy, doanh nghiệp có liên quan đến nhóm CII và một số dự án tại Thủ Thiêm, cũng tăng kịch biên độ lên mốc 22.650 đồng/cổ phiếu. Dư mua đạt 62.000 cổ phiếu.
Trong khi đó, các ông lớn bất động sản khác như NVL của Novaland tăng 2,67%, PDR của Phát Đạt tăng 2%, DXG của Đất Xanh tăng 1,8%.
Khối ngoại có phiên bán ròng thứ 5 liên tiếp với quy mô 252 tỷ đồng. Trong đó tập trung giảm tỷ trọng tại chứng chỉ quỹ FUEVFVND khi rút ra 181 tỷ đồng, bán ròng MSN 58 tỷ đồng, KBC 62 tỷ đồng, DBC 40 tỷ đồng, DGC 35 tỷ đồng.
VCB của Vietcombank vẫn dẫn đầu danh sách mua ròng khi được tiền ngoại rót ròng 63 tỷ đồng. Kế đó là OCB 43 tỷ đồng, NLG 41 tỷ đồng, DIG 25 tỷ đồng, APG 23 tỷ đồng, VPB 22 tỷ đồng.