Theo CNBC, toàn bộ thị trường chứng khoán châu Âu đã giảm hơn 2,5% vào phiên giao dịch sáng 13/3, khi nhà đầu tư toàn cầu lo lắng rằng cuộc khủng hoảng sụp đổ của các ngân hàng Mỹ có thể lan rộng.
Cụ thể, chỉ số Stoxx 600, bao gồm 600 cổ phiếu từ các công ty có vốn hóa lớn nhất của 18 quốc gia châu Âu, đã giảm gần 2,4% lúc kết thúc phiên giao dịch sáng.
Đặc biệt, tất cả mã cổ phiếu thuộc lĩnh vực tài chính và ngân hàng đều ở mức âm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà giảm với mức 5,7%, theo sau là bảo hiểm và dịch vụ tài chính.
Được biết, thị trường chứng khoán vẫn trượt dốc bất chấp thông tin HSBC đã mua lại chi nhánh của SVB tại Anh với giá 1 bảng Anh.
Giá cổ phiếu của HSBC cũng giảm khoảng 3,5%, kể cả khi kho bạc Anh đã thông báo rằng "tiền gửi của khách hàng sẽ được bảo vệ hoàn toàn bởi chính phủ". Theo ảnh hưởng chung, cổ phiếu một số ngân hàng khác như Commerzbank của Đức và Credit Suisse của Thụy Sĩ cũng lần lượt giảm 12% và 9,4%.
Trên thị trường phái sinh, giá các hợp đồng tương lai của chứng khoán Mỹ cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực sau khi cơ quan chức năng công bố kế hoạch ngăn chặn những người gửi tiền vào SVB và cung cấp thêm vốn cho các ngân hàng khác.
Vào thứ sáu tuần trước (10/3), Sillicon Valley Bank (SVB) đã bị giới chức California đóng cửa và giao lại cho Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) quản lý.
Đơn vị này sẽ thanh lý tài sản của SVB để trả tiền cho người gửi và các chủ nợ của ngân hàng. Theo thông báo từ FDIC, tất cả những người gửi tiền tại SVB sẽ có quyền truy cập vào tài khoản kể từ ngày 13/3.
Sau vụ việc của SVB, các quan chức Mỹ cũng đã đóng cửa thêm Signature Bank, ngân hàng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới, với mục đích ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng đang lan rộng.
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán các nước châu Á - Thái Bình Dương, nhiều giao dịch hỗn hợp đã xảy ra và các chỉ số không thay đổi nhiều khi giới đầu tư không phản ứng quá mạnh với vụ việc SVB.