Thị trường chứng khoán trong nước mở cửa phiên đầu tuần hôm nay (20/3) với diễn biến tiêu cực trước sự suy yếu của dòng tiền và tâm lý bất ổn của nhà đầu tư khi đối mặt với những rủi ro khủng hoảng trên toàn cầu. Diễn biến này xảy ra bất chấp các thông tin tích cực liên quan vụ giải cứu Credit Suisse của UBS và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ.
Trên thị trường, sắc đỏ phủ bóng hầu hết sàn giao dịch từ khi mở cửa và lan rộng hơn về cuối ngày. Kết phiên, VN-Index đóng cửa giảm 22,04 điểm (-2,11%) xuống mức thấp nhất trong ngày tại 1.023,1 điểm. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất mà chỉ số chứng khoán VN-Index ghi nhận kể từ đầu tháng 3.
Áp lực bán mạnh cũng ghi nhận trên sàn ở Hà Nội, trong đó, HNX-Index giảm 2,85 điểm (-1,39%) về 201,62 điểm và UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,53%) về 76,02 điểm.
Trong thời gian gần đây, chỉ số chứng khoán trong nước đã thử thách không thành công ngưỡng kháng cự mạnh 1.050-1.060 điểm. Điều này kết hợp với dòng tiền khối ngoại không đáp ứng kỳ vọng, cộng với việc chưa có ngành dẫn dắt, xu hướng chính của các chỉ số chứng khoán vẫn là suy giảm như dự báo của các công ty chứng khoán.
Xét theo nhóm ngành, đà bán mạnh trong nhóm cổ phiếu ngân hàng có tác động lớn nhất tới thị trường chung. Trong đó, VCB của Vietcombank bị bán với mức giảm 4,4%, về 85.100 đồng/cổ phiếu là mã khiến thị trường mất nhiều điểm nhất trong ngày. Xếp vị trí ngay sau, mã BID của BIDV và CTG của VietinBank cũng giảm lần lượt 2,1% và 3,4% trong phiên, cũng là những tác nhân khiến VN-Index lao dốc.
Cổ phiếu nhóm bất động sản cũng không giao dịch trong tình trạng khá khẩm hơn khi cùng rơi mạnh trong phiên hôm nay. Trong đó, mã VHM của Vinhomes dù phần lớn thời gian giữ được sắc xanh vẫn đảo chiều sang đỏ và giảm 1,8% về cuối ngày. Trong khi DIG của DIC Corp tiến sát giá sàn, DXG của Đất Xanh rơi 5,1% hay NVL của Novaland lao dốc 3,5%.
Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng đỏ lửa trong phiên đầu tuần hôm nay, đóng vai trò tiêu cực vào diễn biến thị trường chung. Số này có thể kể đến MSN của Masan mất 2,4%; HPG của Hòa Phát giảm 2%; GVR của Tập đoàn Cao Su đi xuống 3,7% hay SAB của Sabeco bị bán với giá giảm 1,6% trong phiên...
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu tăng giá trên thị trường chỉ đến từ một số trường hợp riêng lẻ. Đáng kể như mã VCF của Vinacafe Biên Hòa (+6,9%). Cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau (+2,5%), PNJ của Vàng Phú Nhuận (+1,3%) hay KDC của Kido (+1,9%).
Tuy vậy, độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên bán với hơn 80% mã giao dịch trong sắc đỏ. Số ít cổ phiếu của nhóm xây dựng, đầu tư công không bị điều chỉnh mạnh và lội ngược dòng về sắc xanh vào cuối phiên.
Điểm tích cực trong phiên hôm nay là chỉ số bị điều chỉnh mạnh nhưng tâm lý bán tháo không quá lớn. Trong đó, thanh khoản toàn thị trường hôm nay chỉ đạt khoảng 11.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch tại HoSE chỉ chiếm 9.753 tỷ, giảm 5% so với phiên cuối tuần trước.
Với phiên giảm mạnh đầu tuần này, diễn biến của thị trường trong nước đang đồng nhất với thị trường chứng khoán Mỹ cuối tuần trước, khi đều bị bán trên diện rộng trước những lo ngại về khủng hoảng tài chính. Trong đó, chỉ số Dow Jones phiên cuối tuần trước đã giảm gần 385 điểm (-1,19%) hay S&P 500 mất 1,1% và Nasdaq giảm 0,74%.
Các thị trường chứng khoán châu Á chiều nay cũng rơi xuống vùng giá đỏ như BSE Sensex của Ấn Độ mất gần 1,3%; Kospi của Hàn Quốc giảm 0,7%; Hang Seng tại Hong Kong rơi 2,55%; IDX tại Indonesia đi xuống gần 1% hay Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,42%...
Dòng tiền suy yếu trên toàn cầu do những lo ngại về bất ổn của ngành ngân hàng, cộng với tâm lý chờ đợi về cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 20-21/3 là những tác nhân khiến thị trường chứng khoán toàn cầu đi xuống.
Các chuyên gia chứng khoán trong nước cũng khuyến nghị việc giao dịch ngắn hạn tiềm ẩn rủi ro cao và chỉ phù hợp với những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhà đầu tư chỉ nên thực hiện mua cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn (từ 6 tháng đến 1 năm), quản trị danh mục đầu tư vẫn nên được ưu tiên hàng đầu.