Sau giai đoạn đầu tuần diễn biến tích cực thì thị trường chứng khoán bắt đầu giằng co, tích lũy để tiến đến vùng kháng cự 1.280 điểm. Trong phiên 19/8, VN-Index đã cố gắng thách thức ngưỡng kháng cự nhưng không thành công, sau đó bị bật ngược về cuối ngày.
Áp lực bán mạnh khiến VN-Index chuyển từ mức trên tham chiếu sang sắc đỏ với trạng thái giảm 4,48 điểm (-0,35%) về con số 1.269,18 điểm.
Sắc đỏ cũng bao trùm trên các sàn tại Hà Nội. Trong đó HNX-Index rơi 3,25 điểm (-1,08%) xuống 297,94 điểm. UPCoM-Index giảm 0,09% về 92.77 điểm.
Cổ phiếu vốn hóa lớn quay đầu là nguyên nhân chính khiến xu hướng thị trường đảo chiều. Trong đó rổ VN30 rơi đến 5 điểm (-0,38%) với 22 mã giảm giá và chỉ có 6 mã tăng điểm.
Cổ phiếu VHM của Vinhomes giảm 1,6% về 60.100 đồng là mã có tác động xấu nhất lên chỉ số. Bên cạnh đó còn có sự đi xuống của một số mã bất động sản khác như NVL của Novaland mất 1% còn 82.300 đồng, NLG của Nam Long rơi 3,3% hay PDR của Phát Đạt giảm 1,4%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không khá khẩm hơn khi chìm trong sắc đỏ. Các mã vốn hóa lớn như VCB mất 0,7%, CTG rơi 1,7% và BID giảm 0,6%. Trong khi các mã vốn hóa nhỏ hơn thì rơi mạnh hơn như NVB lao dốc 6,5%, KLB mất 3,7%, HDB giảm 2,1%...
Áp lực bán cũng xuất hiện ở nhiều nhóm ngành quan trọng khác như sắt thép, phân bón, đường, thủy sản, lâm nghiệp, bảo hiểm...
Điểm nhấn của thị trường thuộc về mã VPB của VPBank khi đi ngược xu hướng nhóm ngân hàng và cả thị trường. Mã này bứt phá 4% lên 31.250 đồng, cùng thanh khoản lớn nhất sàn đạt gần 32 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu VPB đi lên khi có những thông tin về triển khai đợt tăng vốn khủng để đứng đầu ngành ngân hàng. Kế hoạch phát hành 2,24 tỷ cổ phiếu để tăng vốn đã được thông qua tại ĐHĐCĐ từ cuối tháng 4.
Cổ phiếu dầu khí cũng tham gia kéo chỉ số với đầu tàu GAS của PV Gas tăng 1,7% lên 115.600 đồng. Bên cạnh đó còn có PVX bứt phá 6,5%, PVS tăng 4,3% hay PVD đi lên 4,2%... khi thông tin siêu dự án Lô B được đẩy tiến độ.
Ngoài ra còn có nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng với VNM của Vinamilk đi lên 1% đạt 74.100 đồng hay SAB của Sabeco có thêm 0,8% ở mức 195.000 đồng.
Do lực mua suy yếu khiến tiền chạy vào chứng khoán ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 17.389 tỷ đồng. Trong đó khớp lệnh sàn HoSE giảm 4% về 13.573 tỷ đồng, mức thấp nhất tuần này.
Thị trường nhìn chung vẫn chìm trong áp lực bán với sắc đỏ áp đảo. Toàn sàn có 661 mã giảm giá, trong khi chỉ có 346 mã tăng giá và 208 mã đứng tại tham chiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng chuyển sang trạng thái bán mạnh. Trên sàn HoSE, nhóm này mua vào 955 tỷ và bán ra 1.057 tỷ, tương đương bán ròng 102 tỷ đồng. Mã bị xả mạnh nhất là KBC (-130 tỷ) và mã được gom nhiều nhất là VNM (118 tỷ).