Nhận định thị trường ngày 15/11
Trước phiên giao dịch ngày 15/11, các công ty chứng khoán đã có phân tích, nhận định về các khả năng chỉ số VN-Index có thể xảy ra để nhà đầu tư tham khảo trước khi đưa ra quyết định mua bán cổ phiếu.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc khối Dịch vụ đầu tư và Quản lý tài sản của Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, thị trường tục chịu sức ép giảm điểm phiên giao dịch trước đó với nhiều cổ phiếu giảm sàn khi đóng cửa. Khối nhà đầu tư ngoại có thêm một phiên mua ròng mạnh mẽ và điều này giúp cho một số ít các cổ phiếu hồi phục nhờ đó thu hẹp phần nào đà giảm của các chỉ số.
Theo đó, chỉ số VN-Index kết thúc phiên ở 941.04 điểm (-13.49 điểm) và VN30 đóng cửa 936.31 điểm (-12.55 điểm). Thanh khoản sụt giảm và sàn HSX ghi nhận mức giá trị giao dịch khớp lệnh gần 8,700 tỷ đồng. Mức độ lan tỏa của thị trường rất tiêu cực khi trên sàn HSX, số mã giảm điểm chiếm 73%, số mã tăng điểm chỉ chiếm 17% và còn lại 10% là số mã tham chiếu. Khối nhà đầu tư ngoại tiếp tục mua ròng mạnh mẽ với gần 1,700 tỷ đồng trên sàn HOSE tập trung vào các cổ phiếu: STB; HPG; SSI; KBC; VND; CTG; VHM… Ở chiều ngược lại, họ bán ròng nhẹ ở các cổ phiếu: E1VFVN30 (CCQ); KDC; FPT; FTS; …
Ông Du cho rằng, thị trường vẫn đang cho thấy tình trạng mất cân bằng cung cầu khi nhiều cổ phiếu dư bán giá sàn mặc dù thanh khoản chung toàn thị trường ở mức thấp. Động thái mua ròng mạnh của khối ngoại là điểm sáng duy nhất. Đáng chú ý, đồng USD hạ nhiệt nhanh chóng trong tuần qua cộng với định giá nhiều cổ phiếu ở mức hấp dẫn đang thúc đẩy khối này mua vào. Tuy nhiên, trong nội tại thị trường mức độ chênh lệch cung cầu hiện vẫn chưa được giải quyết với áp lực bán tháo và giải chấp ở nhiều cổ phiếu. Ông Du hy vọng rằng dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục mua vào tạo ra điểm tựa tâm lý và thay đổi góc nhìn về thị trường giúp cho diễn biến bớt tiêu cực trong phiên 15/11.
Nhận định thị trường ngày 15/11, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, trong phiên giao dịch trước đó, sau nhịp mở gap giảm điểm đầu phiên, VN-Index hồi phục giằng co và lấy lại một phần điểm số đã mất vào cuối phiên.
Dòng tiền bắt đáy gia tăng ở một số mã cổ phiếu vốn hoá lớn quanh vùng hỗ trợ sâu 920 (+-5) đã giúp cho chỉ số thu hẹp đà giảm điểm trong phiên. Mặc dù vậy, với xu hướng giảm điểm trong trung hạn vẫn đóng vai trò chủ đạo, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh trong những phiên ngày 15/11 trước khi thiết lập một mặt bằng giá vững chắc hơn.
"Nhà đầu tư được khuyến nghị gia tăng một phần tỷ trọng trading ngắn hạn tại vùng hỗ trợ trong phiên nhưng khống chế tỷ trọng ở mức an toàn", KBSV khuyến nghị.
Theo quan điểm nhận định của Công ty chứng khoán MB (MBS), thị trường có thể sẽ tiếp tục tích cực ở phiên giao dịch ngày 15/11. Tuy nhiên, các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục đi vào vùng quá bán khi vẫn có cả trăm cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn dù thị trường được hỗ trợ bởi hoạt động bắt đáy từ khối ngoại và tác động tích cực từ thị trường thế giới.
"Do vậy, nhà đầu tư có thể tập trung vào những nhóm cổ phiếu theo xu thế dòng tiền, ưu tiên thanh khoản cao, kết quả kinh doanh Quý III tích cực, dòng tiền tốt và vay nợ ít hoặc định giá đã chiết khấu sâu như: Ngân hàng, dầu khí, thực phẩm, bán lẻ, điện…", MBS khuyến nghị.
Định giá và khuyến nghị mua cổ phiếu NT2 với giá mục tiêu 32,950 đồng/cổ phiếu
Công ty trách nhiệm hữu hạn chứng khoán Shinhan Việt Nam đã có phân tích, nhận định và khuyến nghị liên quan cổ phiếu NT2 của Công ty cổ phần Dầu khí Nhơn Trạch 2.
Theo Shinhan Việt Nam, sản lượng điện thương phẩm trong năm 2022 của NT2 được kỳ vọng phục hồi lên 4,334 triệu kWh (+136% YoY) tương đương với giai đoạn trước dịch Covid-19. Xu hướng phục hồi dự kiến sẽ được tiếp tục duy trì vào năm 2023 khi nền kinh tế đã quay trở lại bình thường. Ngoài ra, với ưu thế về công nghệ tiên tiến và vị trí đắc địa, NT2 dự kiến sẽ được ưu tiên huy động nhằm đáp ứng nhu cầu điện của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sau khi hoàn tất nghĩa vụ nợ kéo dài hơn 10 năm, NT2 dự kiến sẽ chi trả cổ tức dồi dào cho cổ đông khi FCFE tăng mạnh và công ty mẹ là POW cần nguồn lực để tài trợ cho hai đại dự án NT3 và NT4. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo của NT2 cũng cho biết năm 2022, doanh nghiệp sẽ ghi nhận lợi nhuận đột biến từ khoản đền bù tỷ giá trên 200 tỷ đồng.
Sau gần 3 năm liên tục bị ảnh hưởng bởi hiện tượng La Nina (hiện tượng thời tiết bất thường có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu), dự kiến trong năm 2023 trạng thái trung lập sẽ chiếm chủ đạo, khi đó tỷ lệ huy động từ các doanh nghiệp nhiệt điện khí sẽ được tăng cao hơn. Ngoài ra, giá bán trên thị trường CGM (giá trên thị trường phát điện cạnh tranh) liên tiếp tăng cao cũng giúp góp phần thúc đẩy doanh thu của NT2.
Theo Shinhan Việt Nam, cổ phiếu NT2 vẫn tiềm ẩn một số rủi ro liên quan đến giá nguyên vật liệu đầu vào, La Nina kéo dài hơn dự kiến, thiếu hụt nguồn cung khí và sự cạnh tranh của các nguồn phát khác.
Shinhan Việt Nam cho rằng, NT2 là một trong những doanh nghiệp nhiệt điện khí có công suất thiết kế lớn nhất trên sàn chứng khoán. Trong khi đó, NT2 hiện đang giao dịch ở vùng giá hấp dẫn với tiềm năng tăng trưởng vững chắc. Do đó, dựa vào phương pháp FCFF và PE, Shinhan Việt Nam đưa ra khuyến nghị mua NT2 với mức định giá 32,950 đồng.
Theo Shinhan Việt Nam, điểm nhấn để đầu tư NT2 là doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào sản lượng phục hồi sau dịch với hiệu suất hoạt động vượt trội cùng giá bán đang neo ở mức cao. Trong thời gian tới, khi thời tiết bất lợi qua đi cùng với việc đã hoàn thành các nghĩa vụ nợ, NT2 đang được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông.