Nhận định thị trường hôm nay ngày 18/10
Theo phân tích kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index đã xuất hiện cây nến đỏ nhỏ dạng ‘Dragonfly doji’ tại vùng hỗ trợ 1.040 – 1.050 điểm, với giá đóng cửa nằm trên đường trung bình động 5 ngày (MA5 ngày), kèm thanh khoản giảm khá và thấp hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy bên mua và bên bán đang khá giằng co.
Các chuyên gia dự đoán rằng, trong kịch bản tích cực, chỉ số VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 1.060 – 1.070 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.080 – 1.090 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 1.040 – 1.050 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.020 – 1.030 điểm.
Theo góc nhìn của nhiều nhà đầu tư, thị trường điều chỉnh sau nhiều phiên "sóng hồi" là rất bình thường. Bởi lẽ một số các nhà đầu tư mua cổ phiếu ở nền giá thấp, cổ phiếu đã về tài khoản cũng nhanh chóng chốt lời để bảo toàn thành quả. Bên cạnh đó, đa số nhà đầu tư vẫn thận trọng, chưa xuống tiền trong thời gian này.
Mặc dù tâm lý thị trường chứng khoán trong giai đoạn này đã ổn định hơn. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index sẽ rất khó tăng điểm mạnh mẽ. Trong kịch bản tốt thì VN-Index nên sideway để tích lũy lại lực cầu.
Khuyến nghị mua cổ phiếu DPM với giá mục tiêu 55.850 đồng/cp trong năm 2022
Công ty cổ phần chứng khoán Đà Nẵng (DSC) đã đưa ra những phân tích, định giá và khuyến nghị mua cổ phiếu DPM của Công ty cổ phần Đạm Phú Mỹ với giá mục tiêu 55.850 đồng/cổ phiếu.
Theo DSC, DPM là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phân bón và hóa chất (NH3, UFC 85, CO2) phục vụ mảng dầu khí. Trong đó, nhà máy Đạm Phú Mỹ có công suất đạt 800 ngàn tấn/năm, chiếm khoảng 40% nhu cầu đạm cả nước, chiếm 30% thị phần Ure nội địa (QI/2022).
Được biết, giá khí đầu vào của DPM neo theo giá đầu FO Singapore, giúp hạn chế biến động theo giá khí tự nhiên, tăng lợi thế cạnh tranh quốc tế.
Bên cạnh đó, 90 % thị phần Ammonia phía Nam với biên gộp mảng này 6T/2022 đạt 55%, cải thiện tốt từ mức 46% năm 2021 và 23% năm 2020.
Ngoài ra, việc DPM sản xuất phân Ure từ khí tự nhiên (rẻ hơn than, 70% giá vốn hàng bán) hỗ trợ cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt, DPM là một trong số những doanh nghiệp trúng gói thầu 130 nghìn tấn ure xuất khẩu sang Ấn Độ (Q1/2022).
DSC cho rằng, tốc độ tăng trưởng của DPM khá ấn tượng. Cụ thể, trong Qúy II/2022, DPM đạt doanh thu thuần trong Quý II đạt 5.013 tỷ đồng (+71% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.291 tỷ đồng (+86% YoY). Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của tổng công ty đạt 10.842 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 3.417 tỷ đồng (tăng 122% về doanh thu) và gấp gần 4 lần về lợi nhuận.
Đáng chú ý, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của DPM đều tăng mạnh, lần lượt 53% và 58% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tăng vọt. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng đã đạt gần 700.000 tấn.
Theo DSC, DPM khả năng đã đạt đỉnh doanh thu và lợi nhuận tại Quý I/2022. Do đó, công ty chứng khoán này kỳ vọng DPM có thể trúng thầu số lượng lớn tại Ấn Độ để bù đắp do nhu cầu sụt giảm từ phía nông dân trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Năm 2022, DSC ước tính doanh thu và lợi nhuận của DPM đạt lần lượt 19.542 tỷ (+52,8% YoY) và 6.041 tỷ (+74% YoY), EPS 2022 là 15.436 đồng/cp, tương đương P/E fw là 3,0x lần. Giá mục tiêu của DPM là 55.850 đồng/cp.