Nhận định chứng khoán ngày 21/11
Trước phiên giao dịch ngày 21/11, các công ty chứng khoán đã nhận định về khả năng chỉ số VN-Index có thể xảy ra để nhà đầu tư tham khảo trước khi đưa ra quyết định mua bán cổ phiếu.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán Smartinvest (SISI), trước phiên giao dịch ngày 21/11, chỉ số VN-Index đóng cửa giao dịch tạo thành mẫu hình “Hammer”. Khối lượng giao dịch tăng mạnh và nằm trên mức trung bình 20 ngày, cùng với giá tăng khối lượng tăng là tín hiệu tốt trong ngày đầu tiên của chu kỳ T+2,5. Về cơ bản thị trường đã hấp thụ được áp lực chốt lời từ đáy.
Theo SISI, nhóm VN30 có xu hướng bị bán nhưng dòng tiền đang tập trung vào nhóm thép và nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Đây cũng là nhóm có khả năng dẫn dắt sóng tăng giá mạnh do thị hiếu của các nhà đầu tư.
SISI cho rằng, theo phương pháp phân tích “Price Action” với VN30 sẽ có 10 mã cho tín hiệu mua, 08 mã cho tín hiệu bán, 12 mã cho tín hiệu đi ngang. MWG, VIC, VHM, BVH, VJC, TCB… cho tín hiệu tích cực.
Trong phiên giao dịch tiếp theo, VN-Index có xác suất tăng điểm là 48% và 60% giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa. "Thống kê cho thấy chỉ số sẽ giảm điểm vào phiên giao dịch đầu tuần nhưng điểm này không quan trọng bởi khả năng một số cổ phiếu vốn hóa lớn điều chỉnh kéo chỉ số đi xuống nhưng dòng tiền sẽ tập trung vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ (trạng thái đỏ vỏ xanh lòng). Mức kháng cự của chỉ số VN-Index là 1.000 điểm và mức hỗ trợ là 870 điểm", SISI nhận định.
Công ty chứng khoán Asean (Aseansc), trước phiên giao dịch ngày 21/11, đồ thị ngày VN-Index đã xuất hiện cây nến xanh nhỏ dạng ‘Dragonfly doji’ tại vùng kháng cự 970 – 980 điểm, kèm khối lượng giao dịch tăng khá và cao hơn 42% so với trung bình 20 phiên, cho tín hiệu trung tính. Điều này cho thấy bên mua và bên bán đang khá giằng co.
"Dự báo trong phiên giao dịch ngày 21/11, chỉ số VN-Index có thể giao dịch giằng co trong phiên sáng giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 950 – 960 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 970 – 980 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày", Aseansc nhận định.
CSI khuyến nghị mua cổ phiếu DRC với giá mục tiêu là 28.600 đồng
Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) đã đưa ra những quan điểm phân tích, nhận định về cổ phiếu DRC của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC)
Hoạt động kinh doanh chính của DRC là sản xuất và phân phối lốp xe ô tô, xe máy, xe đạp… Thị trường chính của doanh nghiệp là khu vực miền Trung tại thị trường nội địa và các nước Mỹ, Brazil, Malaysia... tại thị trường xuất khẩu.
Theo báo cáo cuối năm 2021, số lượng cổ phiếu đang lưu hành hiện nay là 118.792.605 cổ phiếu được sở hữu bởi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với tỷ lệ 50.51%, KWE Beteiligungen AG với tỷ lệ 4.7%, Phạm Thị Hồng Hội (vợ ông Nguyễn Văn Hiệu) với tỷ lệ 2.89%. Ngoài cổ đông nhà nước, tỷ lệ cổ đông trong nước chiếm 42.88% chủ yếu được sở hữu bởi cá nhân (với tỷ lệ sở hữu 38.37%), còn lại là cổ đông nước ngoài với tỷ lệ 6.61% chủ yếu được sở hữu bởi các tổ chức (với tỷ lệ sở hữu 6.01%).
Kết quả kinh doanh Quý III/2022 của DRC ghi nhận mức doanh thu phá đỉnh mọi thời đại đạt 1,424.39 tỷ (+48.7% so với cùng kỳ) do giá bán tăng cùng với sản lượng xuất khẩu lốp Radial tại các thị trường chính như Brazil, Mỹ tăng trưởng mạnh.
Sản lượng tiêu thụ lốp Radial tăng dần theo từng năm nhờ xu hướng Radial hóa, loại lốp Bias cũng dần thay thế bởi lốp Radial do chuyển đổi từ tiêu chuẩn Euro 2 sang Euro 4. Để ứng phó với việc sản lượng lốp Bias giảm dần, công ty đã có những giải pháp duy trì công suất như tăng sản lượng, chủng loại sản phẩm lốp nông nghiệp.
Biên lợi nhuận gộp của DRC tại Quý III/2022 đạt 16.06% giảm nhẹ so với quý trước nhưng cao hơn so với cùng kỳ (Quý III/2021 đạt 14%) nhờ giá nguyên liệu giảm. Chi phí nguyên vật liệu chiếm 77% trong cơ cấu giá vốn của doanh nghiệp, trong đó cao su tự nhiên và cao su tổng hợp chiếm hơn 50% nguyên vật liệu sản xuất. Do vậy, biên lợi nhuận sẽ chịu tác động lớn từ biến động giá cao su. Giá cao su tự nhiên có xu hướng hạ nhiệt từ đầu năm 2022 do lo ngại suy thoái kinh tế khi các nước thực hiện tăng lãi suất ngoài nước nhập khẩu cao su lớn là Trung Quốc thực hiện chính sách zero covid làm giảm nhu cầu đối với cao su tự nhiên.
Doanh thu tăng cùng biên lợi nhuận được cải thiện giúp cho lợi nhuận gộp Qúy III/2022 tăng 70.7% so với cùng kỳ, đạt 228.72 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ nguyên nhân một phần đến từ việc so sánh từ nền thấp của Qúy III/2021 (khi các nhà máy phải thực hiện giãn cách để chống dịch dẫn tới kết quả kinh doanh kém hơn so với khi hoạt động bình thường).
Tuy nhiên, nợ ngắn hạn của DRC có xu hướng tăng mạnh từ đầu năm 2021 tới hiện tại nhằm tích lũy nguyên vật liệu tồn kho phòng ngừa giá nguyên vật liệu tăng cao. Điều này kéo theo chi phí lãi vay tăng mạnh, tại Qúy III/2022 chi phí lãi vay đạt 5.18 tỷ (+165.8% so với vùng kỳ). Không dừng lại ở đó, sức ép từ khoản lỗ tỷ giá do trong cơ cấu nợ vay có khoảng 70% là khoản nợ bằng USD làm cho tổng chi phí tài chính Qúy III/2022 tăng 202.2% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của CSI, với mục tiêu quyết tâm đưa lạm phát về mức 2% của FED làm lãi suất đồng USD tiếp tục tăng gây áp lực lên tỷ giá USD/VND sẽ tác động trực tiếp lên chi phí tài chính của DRC. Tuy nhiên DRC cũng có một khoản tiền gửi tương đối lớn phần nào giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính. "Chúng tôi cho rằng biến động tỷ giá sang năm 2023 sẽ dịu bớt giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính", CSI nhận định.
Trong Quý III/2022, lợi nhuận trước thuế của DRC đạt 96.16 tỷ (+127.9% so với cùng kỳ), lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 282.46 tỷ, hoàn thành 88.3% kế hoạch năm. Công ty cũng đặt ra kế hoạch kinh doanh tại Qúy IV/2022 đạt lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng. CSI cho rằng, trong bối cảnh đang thuận lợi từ thị trường xuất khẩu, giá nguyên vật liệu có xu hướng giảm như hiện nay thì DRC có thể vượt kế hoạch đề ra.
Xét về dòng tiền, DRC có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh hàng năm rất khỏe. Trong chu kỳ 5 năm trở lại đây dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn dương, duy nhất năm 2021 âm do doanh nghiệp tăng dự trữ hàng tồn kho trong bối cảnh giá nguyên vật liệu biến động khó lường. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm cao nhất đạt 853 tỷ và thấp nhất 226 tỷ tương đương 31.3% và 8.9% vốn hóa ở thời điểm tương ứng. Tại Qúy III/2022 dòng tiền kinh doanh dương trở lại giúp lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 dương 35.6 tỷ. Với dòng tiền kinh doanh khỏe như DRC tạo nên nền tảng vững chắc về vốn để doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh trong tương lai.
Về cơ cấu tài sản, tại Qúy III/2022 DRC có tài sản ngắn hạn chiếm 72.2% tổng tài sản, trong đó hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất với 69.4% tài sản ngắn hạn. Ngoài ra doanh nghiệp cũng sở hữu cho mình lượng tiền mặt lớn dưới dạng đầu tư tài chính ngắn hạn, đây đều là những khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 3 - 12 tháng. Trong thời kỳ lãi suất liên tục tăng cao, doanh nghiệp có lượng tiền lớn như DRC sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp
Theo CSI, đáng chú ý ở các khoản phải thu của DRC qua nhiều năm luôn chiếm tỷ trọng thấp, tại 31/09/2022 các khoản phải thu chỉ chiếm 7.9%. Bên cạnh đó, khoản mục phải trả người bán lại chiếm tỷ trọng tương đối lớn khoảng 26.7% nợ ngắn hạn cho thấy doanh nghiệp đang ở vị thế cao hơn đối với khách hàng và đối tác. Với thế mạnh này giúp doanh nghiệp chiếm dụng được nguồn vốn lớn và làm tăng hiệu quả kinh doanh.
Theo nhận định của CSI, hiệu quả kinh doanh của DRC thể hiện rõ nét hơn khi đặt cạnh các doanh nghiệp cùng ngành. Vòng quay hàng tồn kho tương đương so với các doanh nghiệp cùng ngành nhưng vòng quay phải thu khách hàng của DRC cao hơn hẳn các doanh nghiệp được so sánh với trung bình 23 vòng tương đương gần 16 ngày là doanh nghiệp thu hồi nợ. Điều này cũng giải thích cho dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dồi dào giúp DRC chủ động về nguồn vốn, tăng hiệu quả kinh doanh được thể hiện qua chỉ số ROE của DRC luôn vượt trội so với các doanh nghiệp trong ngành.
Với những cơ sở trên, CSI khuyến nghị mua cổ phiếu DRC với giá mục tiêu là 28.600 đồng/cổ phiếu.