Qua nhận định tình hình thị trường và phân tích chỉ số kỹ thuật, các công ty chứng khoán đã có nhận định về khả năng VN-Index có thể xảy ra trong phiên giao dịch ngày 24/11.
Theo phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong phiên giao dịch trước đó, sự giằng co mạnh tiếp tục diễn ra ngay từ đầu phiên sáng khiến chỉ số VN-Index liên tục rung lắc quanh mốc tham chiếu. Hầu hết các nhóm ngành đều chịu áp lực điều chỉnh với hơn 250 mã giảm giá. Trong đó nhóm cổ phiếu thép và chứng khoán chịu mức giảm lớn nhất trên 1.5%. Tốc độ giao dịch chậm cùng với việc thanh khoản có phần sụt giảm khiến thị trường trở nên ảm đạm trong sự thận trọng của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, sự cân bằng, tăng giảm đan xen của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 chưa thể tạo được tiền đề tích cực để giúp VN-Index duy trì được đà tăng tốt. Quan sát khối ngoại cho thấy các nhà đầu tư ngoại tiếp tục tỏ ra thận trọng khi mua ròng với thanh khoản nhỏ 57 tỷ, tập trung mua STB, POW, PVS. Kết phiên, VN-Index giảm 6.12 điểm, tương đương với 0.64% xuống 946. Tương tự với VN-Index, HNX-Index, đóng cửa tại 191, giảm 3.66 điểm.
Quan sát những diễn biến trên, VCBS đưa ra nhận định, nỗ lực của phe mua là chưa đủ để giúp thị trường khởi sắc hơn. Các chỉ báo tại khung đồ thị giờ vẫn đang suy yếu nhẹ và hướng xuống thể hiện sự rủi ro giảm điểm mạnh vẫn còn đang hiện hữu. Trong trường hợp tích cực nhất, VN-Index sẽ tích lũy quanh khu vực điểm 940 để lấy lại sự cân bằng tuy nhiên trường hợp giảm điểm mạnh vẫn hoàn toàn có thể xảy ra khi tâm lý nhà đầu tư vẫn đang thiếu ổn định.
"Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư, tiếp tục kiên nhẫn, chủ động nâng cao tỉ trọng tiền mặt, chờ đợi những những chuỗi phiên tích lũy cho tín hiệu cân bằng rõ ràng hơn thì mới giải ngân", VCBS khuyến nghị.
Theo quan điểm của Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), chỉ số VN-Index đã trải qua 3 phiên điều chỉnh liên tiếp. Trong phiên giao dịch trước đó, các nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, chứng khoán… có sự đảo chiều giảm mạnh. Hiện tượng "quay xe" cực gắt của các dòng cổ phiếu trên được cho là có sự tác động từ cuộc họp của Bộ Tài Chính bàn về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp trong sáng ngày 23/11. Cuộc họp có nội dung đáng chú ý là những đề xuất của các doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn cho trái phiếu chưa được thông qua và điều này trái với kỳ vọng của giới đầu tư.
Theo quan điểm của CSI, mặc dù thị trường giảm điểm, nhưng tín hiệu tích cực là thanh khoản lại sụt giảm khá mạnh, thấp nhất trong một tuần trở lại đây. Xu hướng hồi phục trong ngắn hạn theo quan điểm của CSI vẫn chưa bị phá vỡ. Mức hỗ trợ kỳ vọng của VN-Index ở mức 917-930 điểm vẫn là ngưỡng có thể gia tăng thêm tỷ trọng ở những danh mục cổ phiếu đang có lợi nhuận.
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) lại đưa ra quan điểm thị trường có thể sẽ tiếp tục giảm điểm trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ còn biến động trong vùng 940-960 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn chưa có dấu hiệu giảm hoàn toàn và phần lớn dòng tiền vẫn chủ yếu đầu cơ ở nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ. Do đó, thị trường chưa thể có xu hướng tích cực và bền vững. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm nhẹ cho thấy các nhà đầu tư đang bi quan trở lại. Đây có thể là dấu hiệu tiêu cực cho thị trường.
"Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn đang giảm điểm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục đứng ngoài thị trường và chờ điểm xác nhận xu hướng tăng của thị trường", FSC khuyến nghị.
Quan điểm của Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương (Agriseco) là xác suất thị trường kiểm định lại các vùng hỗ trợ có khả năng xảy ra. Agriseco duy trì khuyến nghị nhà đầu tư nên chủ động hạ tỷ trọng tại các nhịp tăng điểm của VN-Index nếu đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao hoặc đã có vị thế tại các đợt bắt đáy gần đây, đồng thời tiếp tục giữ trạng thái quan sát, hạn chế sử dụng margin và chờ đợi thị trường hình thành rõ xu hướng trong thời gian tới.