Nhận định thị trường chứng khoán hôm nay ngày 25/10
Theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Dầu khí Việt Nam (PSI), tại đồ thị giao dịch ngày, chỉ số VN-Index xuất hiện cây nến giảm điểm với thân nến dài hàm ý áp lực bán tháo tương đối hoảng loạn từ giới đầu tư. Chỉ báo RSI hiện tại đã ở vùng quá bán, vì vậy có khả năng lực cung sẽ dần yếu đi tại những phiên giao dịch kế tiếp.
"Nhà đầu tư nên thận trọng và nâng cao tỷ trọng tiền mặt, chưa vội bắt đáy, không dùng margin, ưu tiên bảo toàn vốn", PSI khuyến nghị.
Đồng quan điểm trên, Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (Rong Viet Securities) cho rằng, chỉ số VN-Index đã mất mốc 1.000 điểm và đang đóng cửa tại 986,15 điểm.
Rong Viet Securities nhận định, thị trường chứng khoán chưa thể hồi phục và tiếp tục giảm sâu. Vùng hỗ trợ 1.000 điểm của VN-Index đã bị đánh mất. Trong phiên giao dịch hôm trước, thanh khoản giảm cho thấy dòng tiền vẫn còn dè dặt và giảm hoạt động bắt đáy ở giá thấp. Tuy nhiên, có động thái tranh chấp mạnh vào giai đoạn cuối phiên và thanh khoản giao dịch cũng dồn vào giai đoạn này nhiều hơn, có dấu hiệu nỗ lực kiềm hãm đà giảm của thị trường. Với động thái “rút chân” nhẹ này, có thể thị trường sẽ hồi phục nhẹ để kiểm tra lại nguồn cung tại vùng 1.000 điểm của VN-Index.
Rong Viet Securities lưu ý rằng, xu thế chung của thị trường vẫn tiêu cực và vùng 1.000 điểm đang trở thành vùng cản của thị trường. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng và quan sát diễn biến cung cầu trong phiên để đánh giá trạng thái của thị trường. Tạm thời vẫn nên giữ danh mục ở mức an toàn do rủi ro của thị trường còn tiềm ẩn.
Nhận định về thị trường ngày 25/10, Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, khả năng xu hướng giảm điểm còn tiếp tục khi áp lực bán giải chấp từ phiên hôm trước vẫn chưa kết thúc.
Theo CSI, hiện tại chỉ số VN-Index đang ở ngưỡng hỗ trợ khá mạnh nên ưu tiên mạo hiểm ở vùng này. Nhà đầu tư có thể mua thăm dò trong phiên buổi sáng ngày 25/10. Tuy nhiên, trong giai đoạn này nhà đầu tư vẫn nên hạn chế sử dụng margin.
Đánh giá về cổ phiếu TCB
Công ty cổ phần chứng khoán Tiên Phong (TPS) đã có những phân tích và đánh giá về cổ phiếu TCB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam dựa trên những số liệu cập nhật kết quả kinh doanh của TCB.
Mới đây, tại cuộc họp ngày 21/10/2022, TCB đã cập nhật và trao đổi về tình hình hoạt động của nhà băng này trong Q3/2022 và 9T2022. Theo đó, tổng thu nhập của TCB trong Q3/2022 đạt 10,338 tỷ đồng (+17.8%YoY) và 9T2022 đạt 31,474 tỷ đồng (+16.9%YoY). Lợi nhuận sau thuế của TCB trong Q3/2022 đạt 5,367 tỷ đồng (+21.1%YoY) và 9T2022 đạt 16,864 tỷ đồng (+23.0%YoY).
Cụ thể, thu nhập từ lãi (Q3/2022 đạt 7,565 tỷ đồng, +12.2%YoY và 9T2022 đạt 23,470 tỷ đồng, +20.6%YOY). Thu nhập từ lãi của TCB được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng tại cuối Q3/2022 đạt 11.1%ytd (so với cùng kỳ là 14.1%ytd). TCB đã cơ cấu tín dụng hướng tới gia tăng tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân và giảm tỷ trọng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, NIM của TCB vẫn giảm nhẹ (9T2022 là 5.4% so với 9T2021 là 5.6%).
Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi (Q3/2022 ghi nhận 2,481 tỷ đồng, + 38.4%YoY và 9T2022 ghi nhận 6,909 tỷ đồng, +32.5%%YoY). Thu nhập ngoài lãi của TCB được thúc đẩy bởi hoạt động thanh toán, thẻ, bảo hiểm, và kinh doanh ngoại hối. Tuy nhiên, mảng phí từ dịch vụ IB (Internet Banking) sụt giảm do ảnh hưởng bởi sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán và trái phiếu.
Chi phí hoạt động của TCB trong Q3/2022 ghi nhận 3,041 tỷ đồng, + 14.7%YoY và 9T2022 ghi nhận 9,408 tỷ đồng, +20.9%YoY. Tỷ lệ CIR Q3/2022 là 29.2% (cùng kì 29.9%) và CIR 9T2022 là 29.9% (cùng kì 28.9%).
Nợ xấu vẫn kiểm soát hiệu quả nhờ chi phí dự phòng Q3/2022 và 9T2022 lần lượt ghi nhận 609 tỷ đồng (+3.5%YoY) và 1,245 (-38.9%YoY). Tỷ lệ NPL (Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ) ghi nhận 0.6% mức tương đương cùng kỳ.
TPS đánh giá, trong năm 2022, tăng trưởng thu nhập từ lãi và thu nhập ngoài lãi của TCB có thể sẽ thấp hơn 2021. NIM của TCB trong năm 2022 sụt giảm với chi phí huy động gia tăng và tỷ lệ CASA 2022 cũng suy giảm. Tỷ lệ nợ xấu vẫn kiểm soát tốt và duy trì mức tương đương so với cùng kỳ.
Theo ước tính của TPS, lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 của TCB ước tính đạt mức tăng trưởng gần 20%YoY, đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng.
Dựa trên những luận điểm trên, TBS cho rằng, trong ngắn hạn, diễn biến bất lợi trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản sẽ ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của Ngân hàng. Tuy nhiên, TPS vẫn đánh giá TCB là cổ phiếu tiềm năng trong dài hạn với mức định giá hấp dẫn (P/B hiện tại là 0.74x so với mức trung bình lịch sử 3 năm là 1.56x).