Chứng khoán hôm nay ngày 4/11
Các công ty chứng khoán đã phân tích, nhận định và khuyến nghị về khả năng có thể xảy ra của VN-Index trong phiên giao dịch ngày 4/11 để nhà đầu tư tham khảo.
Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận định rằng, áp lực bán chỉ mạnh khi ảnh hưởng của đà giảm chung của thị trường Mỹ đêm qua sau quyết định tăng lãi suất của Fed. Chỉ số VN-Index kết phiên ở 1019.81 điểm (-3.38 điểm) và VN30 đóng cửa 1023.8 điểm (-1.38 điểm). Thanh khoản tiếp tục sụt giảm so với phiên trước và giao dịch khớp lệnh của sàn HOSE ở mức gần 7,000 tỷ đồng. Mức độ lan tỏa của thị trường tiêu cực nhẹ và tương đồng phiên trước khi trên sàn HOSE, số mã tăng điểm chỉ chiếm 32%, số mã giảm điểm chiếm 53% và còn lại 15% là số mã tham chiếu. Đáng chú ý, khối nhà đầu tư ngoại đã mua ròng với giá trị hơn 250 tỷ đồng trên sàn HOSE chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu: VHM; VNM; MSN; SSI; DGC và bán ròng ở các cổ phiếu: HPG; CTG; KBC; KDC; HDB…
Theo TVSI, trong nội tại sự phân hóa vẫn diễn ra đủ để duy trì tâm lý ổn định khi vẫn có một số cổ phiếu tăng giá tốt trong các phiên giảm điểm. Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, phiên giao dịch ngày 4/11 nhiều khả năng thị trường sẽ theo hướng cân bằng và tích cực nhẹ trở lại với số lượng cổ phiếu tăng điểm cải thiện. Tuy nhiên, dòng tiền và thanh khoản cần có sự cải thiện rõ rệt hơn để VN-Index sớm mở ra kỳ vọng vượt qua vùng 1.065 điểm và nối tiếp hành trình hồi phục.
Dưới "lăng kính" của Công ty cổ phần chứng khoán Nhất Việt (VFS), chỉ số VN-INDEX đang tạo thành cây nến giảm cùng thanh khoản thấp hơn mức trung bình 05 phiên cho thấy sự thiếu vắng của lực cầu và khiến thị trường tiềm ẩn rủi ro. Mặc dù vậy, nếu VN-Index vẫn tiếp tục dao động hẹp quanh vùng 1.030 điểm và áp lực bán không tiếp tục gia tăng, kỳ vọng về sự tiếp diễn của đà hồi phục vẫn được bảo toàn.
Nhiều khả năng, chỉ số VN-Index có thể sẽ xảy ra hai kịch bản: dao động hẹp quanh vùng 1.020 điểm hoặc lùi xuống vùng 1.000 điểm. "Nhà đầu tư nên nguyên tỷ trọng cổ phiếu ở mức 50% và thận trọng trong việc giải ngân mới", VFS khuyến nghị.
Còn quan điểm của Công ty cổ phần chứng khoán SBS lại nghiêng về việc chỉ số VN-Index đang cố gắng tìm điểm cân bằng trong biên độ hỗ trợ tại 1.000 điểm và kháng cự tại 1.050 điểm. Nhiều khả năng trạng thái giằng co đi ngang của thị trường sẽ còn kéo dài trong vài phiên 4/11 khi hình thành xu thế rõ ràng hơn.
SBS khuyến nghị, nhà đầu tư ngắn hạn duy trì tỷ trọng danh mục ở ngưỡng an toàn để đảm bảo quản trị rủi ro. Việc mua bán cổ phiếu có thể cơ cấu lướt sóng một phần trên danh mục có sẵn nhằm kéo giá vốn, ưu tiên mua "đỏ" bán "xanh".
BVSC đang xem xét lại các dự báo và giá mục tiêu của cổ phiếu MWG
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã cập nhật kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần đầu tư Thế giới Di động và phân tích, dự phóng về cổ phiếu MWG của doanh nghiệp này.
Mới đây, MWG đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 3/2022. Theo đó, doanh thu thuần tăng 31,6% y/y đạt 32.012 tỷ (-6,8% q/q) và lợi nhuận ròng tăng 15,6% y/y lên 906 tỷ (-19,8% q/q). Kết quả này thấp hơn so với dự đoán của BVSC, chủ yếu do khoản chi phí một lần đến từ việc đóng cửa một số cửa hàng Bách Hóa Xanh cao hơn ước tính.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của MWG đạt 102,8 nghìn tỷ (+18,4% y/y) và 3.481 tỷ (+4,3% y/y), hoàn thành 73%/ 54% dự báo tương ứng cho 2022 của BVSC.
Theo BVSC, doanh thu thuần của Bách Hóa Xanh trong Q3/2022 tiếp tục tăng trưởng khả quan 6,2% q/q, đạt 7.184 tỷ (-21,9% y/y từ nền cao Q3/2021 do khách hàng trữ thực phẩm trong thời gian cách ly cộng đồng).
Doanh thu hàng tháng của MWG duy trì ổn định bất chấp việc cắt giảm 162 cửa hàng trong Q3, tổng số cửa hàng bị đóng cửa là 413 (tính từ tháng 4/2022, thời điểm bắt đầu tái cơ cấu). Điều này cho thấy cả lượng khách và sản lượng bán hàng của doanh nghiệp này vẫn đang tăng một cách vững chắc. Loại bỏ chi phí một lần do đóng cửa các cửa hàng, BCSC ước tính biên lợi nhuận cốt lõi từ hoạt động kinh doanh của Bách Hóa Xanh Q3/2022 có xu hướng cải thiện sau tái cấu trúc.
Khoản phí một lần do đóng cửa cửa hàng được trích lập hoàn toàn vào cuối Quý 3/2022, trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi được kỳ vọng sẽ cải thiện rõ ràng hơn (doanh thu trên mỗi cửa hàng và biên lợi nhuận tăng). BVSC kỳ vọng Bách hóa xanh hòa vốn trong tương lai gần.
Khi Bách Hóa Xanh chuyển từ lỗ sang lãi sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho tập đoàn trong những năm tới và nhờ đó định giá sẽ được đánh giá lại tích cực hơn.
Doanh thu Thế giới Di động và Điện Máy Xanh đạt 24,2 nghìn tỷ trong 3Q22, tăng 62,0% y/y nhờ hiệu ứng nền thấp, nhưng giảm 10,5% q/q, do yếu tố mùa vụ và thấp hơn dự báo của BVSC. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng vẫn tương đối sát với dự báo nhờ biên lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng.
Theo BVSC, sự chững lại cũng cho thấy khách hàng khả năng đang trì hoãn việc mua sắm trước các đợt ra mắt mới và việc Tết 2023 đến sớm hơn thường lệ. Tác động lạm phát đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng có thu nhập thấp nên sức mua nhóm hàng này vẫn là điều mà các nhà đầu tư nên theo dõi chặt chẽ.
Đặc biệt, lỗ tài chính ròng Quý 3 của MWG cũng đáng chú ý khi tăng lên 85,9 tỷ từ 62,4 tỷ trong Quý 2 và và thu nhập tài chính ròng nhất quán trong giai đoạn Quý 2/2020 - Quý 1/2021, phản ánh tác động của môi trường lãi suất tăng.
Đến cuối Q3/2022, tổng tài sản của MWG là 61.282 tỷ, trong đó tiền và các khoản tương đương là 15.911 tỷ đồng (chiếm 26,0% tổng tài sản).
Tổng dư nợ là 22.824,5 tỷ (giảm 7,4% ytd) cho thấy MWG có vẻ đang tích cực tái cơ cấu danh mục nợ trong kỳ. Cụ thể, MWG đã chuyển một số nợ ngắn hạn sang dài hạn là 5.967,5 tỷ (là khoản vay hợp vốn với lãi suất cạnh tranh). Nợ ngắn hạn giảm mạnh 31,6% ytd xuống mức 16.857 tỷ (-24,6% q/q). Kết quả là, đòn bẩy tài chính giảm với D/E là 0,98x so với mức 1,21x đầu 2022.
BVSC dự báo và giá mục tiêu đang được xem xét lại giá cổ phiếu MWG đã điều chỉnh mạnh 24,6% ytd, tốt hơn so với VNIndex (-32,6%), nhưng kém hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành như FRT (+29,6%) và DGW (-12,5%). BVSC cho rằng, diễn biến giá kém là do tác động ngắn hạn từ việc đóng cửa một số cửa hàng Bách hóa xanh trong vài tháng qua.
Hiện tại, điều tồi tệ nhất đã qua đi khi các cửa hàng hoạt động kém đã bị đóng cửa và chi phí một lần đã được trích lập hoàn toàn vào cuối 3Q22, trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi của Bách Hóa Xanh cho thấy cải thiện rõ ràng hơn.
Theo quan điểm của BVSC, việc xử lý những vấn đề trên sẽ giúp củng cố triển vọng tăng trưởng của MWG trong năm tới, lạc quan hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Do đó, BVSC duy trì khuyến nghị khả quan đầu tư đối với MWG. Tuy nhiên, BVSC cũng đang xem xét lại các dự báo và giá mục tiêu đối với cổ phiếu MWG.