Theo CNN, trong 3 tháng đầu năm nay, người Mỹ đã mất 500 tỷ USD vì thị trường chứng khoán đi xuống.
Theo dữ liệu được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố hôm 9/6, tài sản của các hộ gia đình và tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ đã giảm 500 tỷ USD xuống còn 149.300 tỷ USD trong quý I/2022.
Đó là một sự thay đổi đáng chú ý, sau khi tài sản của các hộ gia đình tăng vọt vào năm 2020 nhờ giá nhà và cổ phiếu tăng phi mã.
Thị trường quay đầu lao dốc
Theo CNN, sự sụt giảm trong quý I/2022 đã phơi bày bức tranh u ám của thị trường chứng khoán vào đầu năm nay. Giá trị của các cổ phiếu doanh nghiệp (được nắm giữ trực tiếp và gián tiếp) bốc hơi 3.000 tỷ USD .
Trong 3 tháng đầu năm, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều giảm gần 5%, trong khi chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ lao dốc tới 9%. Đây là mức giảm lớn nhất đối với các thị trường kể từ quý I/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế Mỹ.
Nhưng những cú sốc trong năm nay không chỉ đến từ đại dịch Covid-19, mà còn là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, giá dầu tăng cao và lạm phát tăng vọt. Thêm vào đó, FED đang mạnh tay nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Việc đầu tư trở nên dễ dàng hơn nhiều trong 2 năm qua, khi FED làm mọi thứ để kích thích nền kinh tế. Cụ thể, ngân hàng trung ương Mỹ đã hạ lãi suất xuống gần 0 nhằm khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp chi tiêu. Cơ quan này cũng bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thông qua chương trình nới lỏng định lượng.
Nhiều nhà đầu tư không có kinh nghiệm đã điều hướng thị trường, tạo ra đà tăng giá phi mã của những tài sản rủi ro."Ngay cả với những nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm, rất khó để đưa ra một quyết định sai lầm. Họ chỉ cần chọn bất kỳ một cổ phiếu và đợi nó tăng giá", nhà báo Allison Morrow của CNN viết. Nhưng giờ, ngân hàng trung ương Mỹ đang mạnh tay nâng lãi suất để hạ nhiệt giá cả.
Theo ông Leo Grohowski, Giám đốc đầu tư của BNY Mellon Wealth Management, các nhà đầu tư mới này chưa bao giờ trải qua thời kỳ lạm phát và lãi suất tăng cao. Sự thay đổi đột ngột trong môi trường kinh doanh sẽ làm gia tăng tình trạng hỗn loạn trên thị trường.
"Các nhà đầu tư đã mua điên cuồng những cổ phiếu meme, SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt), NFT (token không thể thay thế). Giờ, chúng ta đang chứng kiến làn sóng bán tháo điên cuồng không kém", ông bình luận.
Đà giảm chưa kết thúc
Cú rơi đã khiến nhiều người rời bỏ thị trường. Robinhood - ứng dụng giao dịch miễn phí, góp phần thúc đẩy sự bùng nổ của những nhà đầu tư nhỏ lẻ trong 2 năm qua - đã ghi nhận lượng người dùng hoạt động hàng tháng giảm 10% xuống còn 15,9 triệu người trong quý đầu tiên của năm nay.
Theo giới quan sát, giá cổ phiếu có thể còn giảm nhiều hơn nữa trước khi thị trường chạm đáy. Thêm vào đó, FED dường như có ý định tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất để chống lạm phát, bất chấp những biến động trên thị trường chứng khoán.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 tăng 8,3% so với một năm trước đó, cao hơn dự báo 8,1% của Dow Jones. Tuy nhiên, con số này đã giảm nhẹ. Vào tháng 3, CPI của Mỹ tăng 8,5%, mức tăng giá chưa từng thấy kể từ thời kỳ lạm phát đình trệ diễn ra vào cuối những năm 1970, đầu thập niên 1980.
Giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào báo cáo lạm phát tháng 5 của Mỹ chuẩn bị được công bố.
Theo FED, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán được bù đắp phần nào nhờ giá trị bất động sản tăng 1.700 tỷ USD và tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tiếp tục tăng cao. Các hộ gia đình và tổ chức phi lợi nhuận hiện nắm giữ 44.100 tỷ USD bất động sản.
Tỷ lệ tài sản ròng của hộ gia đình trên thu nhập khả dụng vẫn ở gần ngưỡng cao kỷ lục và vượt xa mức trước đại dịch vào năm 2019.
Trong khi đó, nợ hộ gia đình tăng với tốc độ hàng năm 8,3%, phản ánh sự gia tăng mạnh mẽ ở cả vay thế chấp nhà và tín dụng tiêu dùng.
Giá nhà tiếp tục tăng cao khiến các khoản vay thế chấp tăng 8,6%. Người Mỹ cũng vay thẻ tín dụng và vay mua ôtô nhiều hơn, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng đi lên 8,7%.