MBS báo lãi ròng 216 tỷ đồng trong quý II. Ảnh: MBS.
Theo báo cáo tài chính quý II, CTCP Chứng khoán MB (HNX: MBS) ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 883 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2023. Đà tăng mạnh của doanh thu quý II đến từ sự khởi sắc trong các mảng nghiệp vụ cốt lõi như tự doanh, cho vay ký quỹ hay môi giới chứng khoán.
Cụ thể, trong quý vừa qua, MBS ghi nhận lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 341 tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) cũng tăng lên 33 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 4 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6, danh mục FVTPL của MBS có giá trị thị trường gần 1.600 tỷ đồng, tăng hơn 42% so với đầu năm, chủ yếu là trái phiếu niêm yết (843 tỷ đồng) và giấy tờ có giá khác (689 tỷ đồng).
Trong khi đó, danh mục AFS cùng thời điểm có giá trị hơn 1.940 tỷ đồng, chiếm hơn 97% là trái phiếu chưa niêm yết, phần còn lại là cổ phiếu chưa và đã niêm yết. Công ty không thuyết minh cụ thể về khoản mục này.
Công ty chứng khoán này cũng thu về gần 262 tỷ đồng tiền lãi cho vay và phải thu trong quý vừa qua, tăng 88%. Tính đến cuối kỳ, dư nợ cho vay margin của nhà môi giới chứng khoán này đã tăng hơn 15% lên trên 9.800 tỷ đồng.
Nhờ giá trị và khối lượng giao dịch chứng khoán toàn thị trường tăng mạnh, MBS cũng ghi nhận gần 180 tỷ đồng doanh thu từ nghiệp vụ môi giới, tăng 32%.
Sau khi khấu trừ các loại chi phí và thuế, MBS báo lãi ròng 216 tỷ đồng riêng quý II, tăng 75% và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của MBS đạt 1.557 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước và sau thuế tăng 63% lên lần lượt 500 tỷ đồng và 399 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, các cổ đông MBS đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 930 tỷ đồng, tăng 36% so với thực hiện năm 2023. Như vậy, sau nửa năm hoạt động, công ty đã hoàn thành 54% kế hoạch.