Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (26/9), với chỉ số Dow Jones “bốc hơi” gần 400 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3, sau khi một số dữ liệu làm dấy lên mối lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Giá dầu thô tăng gần 1% khi nhà đầu tư cho rằng sự thắt chặt của nguồn cung sẽ cân bằng rủi ro suy giảm tăng trưởng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 388 điểm, tương đương giảm 1,14%, còn 33.618,88 điểm. Cú giảm này khiến chỉ số giảm dưới ngưỡng bình quân 200 ngày lần đầu tiên kể từ tháng 5.
Chỉ số S&P 500 giảm 1,47%, còn 4.273,53 điểm, lần đầu tiên chốt phiên dưới mốc 4.300 điểm kể từ hôm 9/6. Chỉ số Nasdaq giảm 1,57%, còn 13.063,61 điểm.
Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh số bán nhà mới không đạt kỳ vọng. Trong tháng 8, số nhà mới được bán ở nước này đạt 675.000 căn, giảm 8,7% so với tháng 7. Trước đó, các chuyên gia kinh tế được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo con số 695.000 căn nhà mới được bán, giảm 2,7% so với tháng trước.
Cùng với đó, chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 9 trong cuộc khảo sát của tổ chức Conference Board giảm còn 103 điểm, từ mức 108,7 điểm trong tháng 7. Trước đó, giới chuyên gia trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones dự báo mức 105,5 điểm. Chỉ số kỳ vọng thậm chỉ tụt về mức 73,7 điểm, dưới ngưỡng mà giới chuyên gia cho là gắn với các cuộc suy thoái kinh tế.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, CEO Jamie Dimon của ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase cảnh báo lãi suất có thể cần phải tăng thêm để chống lạm phát. Nhận định này của ông Dimon càng gia tăng tâm lý bi quan của nhà đầu tư.
Phiên giảm này làm gia tăng mức giảm của chứng khoán Mỹ từ đầu tháng tới nay. Theo đó, Nasdaq đã giảm gần 7% trong tháng 9, trong khi S&P 500 và Dow Jones giảm tương ứng 5% và 3%. Một trong những nguyên nhân quan trọng kéo chứng khoán Mỹ giảm điểm trong tháng này là cảnh báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng lãi suất có thể phải giữ ở mức cao trong thời gian lâu hơn để chống lạm phát. Triển vọng lãi suất đó đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên mức cao nhất kể từ năm 2007.
“Nhà đầu tư vẫn đang bất an về tín hiệu mà xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ phát đi về nền kinh tế, về thị trường chứng khoán, về Fed, và về tỷ giá đồng USD. Tôi cho rằng nhà đầu tư vẫn đang cảm thấy thiếu sự rõ ràng và quyết định bán bớt tài sản trong danh mục”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định với hãng tin CNBC.
Một mối lo khác của nhà đầu tư trong tuần này là cuộc đàm phán ngân sách ở Washington. Các nghị sỹ Mỹ vẫn đang tìm cách để ngăn khả năng Chính phủ phải đóng cửa từ ngày 1/10 nếu Quốc hội không nhất trí được về một kế hoạch ngân sách cho năm tài khóa mới.
Dù vậy, biến động có tính chất mùa vụ của thị trường cũng có thể mang lại cơ hội cho nhà đầu tư ở Phố Wall. Theo cuốn niên giám giao dịch cổ phiếu “Stock Trader’s Almanac”, tháng 10 được được biết đến là “tháng hãm tài” do vụ sụp đổ thị trường vào các năm 1929 và 1987, nhưng cũng được biết đến là một tháng bất lợi của các nhà đầu cơ giá xuống.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,67 USD/thùng, tương đương tăng 0,7%, chốt ở mức 93,96 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,71 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, chốt ở mức 90,39 USD/thùng.
Mối lo về lãi suất cao dẫn tới suy giảm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đã gây áp lực giảm giá lên “vàng đen” thời gian gần đây. Nhưng mặt khác, giá dầu vẫn được hỗ trợ bởi triển vọng thắt chặt nguồn cung do Nga và Saudi Arabia duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng 1,3 triệu thùng dầu mỗi ngày cho tới cuối năm.
“Nguồn cung dầu được dự báo sẽ đuối so với nhu cầu trong tương lai gần, nên giá dầu sẽ khó giảm kéo dài”, nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nhận định. Tuy nhiên, bà Varga nói thêm rằng nếu Chính phủ Mỹ đóng cửa và điểm tín nhiệm quốc gia của nước này bị ảnh hưởng, giá dầu sẽ khó đạt tới mốc 100 USD/thùng.